Gánh nặng đồng tiền (giá trị vật chất) đã đè lên vai và ăn vào tâm trí suy nghĩ của người dân, cả người lớn (phụ huynh, giáo viên) lẫn trẻ nhỏ (học sinh) thì thầy nói trò không nghe, trò không tôn trọng thầy là điều bình thường.
Một điều dẫn đến sự “bình thường” đó nữa là hai môi trường giáo dục trực tiếp cho học sinh, đối tượng cần được giáo dục cả đạo đức lẫn tri thức lại không nhận được sự giáo dục đầy đủ đó. Cha mẹ, đối tượng trực tiếp nuôi dạy con cái luôn nuông chiều, hoặc bận bịu lo toan kiếm tiền và lấy việc chiều chuộng con là cách giáo dục hiển nhiên, đầu tiên; chương trình giáo dục trong nhà trường, thầy cô giáo dạy học ít có thời gian, ít có tâm trí và tấm lòng uốn nắn,trang bị cho học sinh về ý thức, đạo đức mà chỉ lo “chạy” chương trình học, “chạy” kiến thức đã được chỉ đạo sẵn từ phân phối chương trình và nội dụng của cấp trên Bộ và Sở…là phải làm sao hoàn thành chương trình sách giáo khoa. Làm sao có đủ chỉ tiêu đề ra về kết quả lên lớp, kết quả học sinh khá, giỏi đạt yêu cầu... tức học sinh không được dạy toàn diện về lễ, nghĩa, trí và tín.
Đạo làm thầy cũng đã gác lại với những người “gõ đầu trẻ” khi ràng buộc miếng cơm manh áo phải lo tìm cách dạy thêm, phải gồng mình chịu áp lực để cho học sinh điểm khống để đạt chỉ tiêu cấp trên đề ra. Trường chuẩn quốc gia, nơi tôi đang công tác, ngày họp hội đồng đầu năm học hiệu trưởng đã “giao nhiệm vụ” là nhìn nhận đối tượng để đánh giá, kiểm tra, tùy vào giáo viên nhưng kết quả phải trên 95% trên trung bình. Như vậy, hình ảnh cao quý của người thầy không còn, mất đi bởi sự chi phối đồng tiền, bởi ràng buộc khắt khe của thành tích, chỉ tiêu,… Trách nhiệm đè lên lương tâm, tâm huyết người thầy dẫn đến không còn cái gọi là tình yêu thương học sinh, yêu nghề. Từ đó đưa đến cho người giáo viên suy nghĩ việc ai người ấy làm: tôi đi dạy em đi học, em học hành không đến đâu, nghịch ngợm tôi “xử” không nương tay, cái tình không còn thầy phải đưa lý ra và lấy sự sai lầm của học sinh trút bực bội, áp lực ngành nghề. Hậu quả là dẫn đến những cơn nóng giận không kiểm soát như trường hợp thầy tát trò, trò xong vào đánh thầy ở trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Tây Sơn, Bình Đình hết yên lặng trong dư luận lại xẩy ra vụ học sinh thuê người hành hung thầy giáo phải nhập viên tại Gia Lai cũng vì “dạy” học trò đến mức “can thiệp” đến “quyền lợi tự do” của học trò là nghịch phá trong lớp không chịu học.
Thật ra, nếu nhìn một cách tổng thể, có điều kiện nghe và thấy được sự “đối xử” của trò và thầy, thầy với trò ở những trường hợp khác thì càng… nản cho nghề dạy học, buồn thương cho người làm nghề vẫn được gọi là “được lót chiếu ngồi trên”. Như ở trường một THPT tôi đang công tác, khi giáo viên đi trong sân trường qua các nhóm học sinh hai bên ghế đá, tôi vẫn thường nghe những câu “em chào thầy” thật to ý chọc ghẹo, mỉa mai để trêu đùa với giáo viên, những câu huýt sáo rồi kêu thật to đùa giỡn như ngang hàng “Em chào thầy sao thầy không trả lời?”… Bạn tôi còn gặp trường hợp trong lớp học một nữ sinh nhuộm tóc vàng sau ngáy ngồi học không thèm ghi bài, khi bạn tôi nhắc “Sao học ngồi vạch vạch, kẻ kẻ lung tung, không ghi bài em?”. Học sinh liền trả lời: “Em làm gì kệ em, thầy mắc cười! Thầy cô là bố mẹ, mà bố mẹ em có ai “nhắc nhở” em khi em ngồi bàn học đâu”.
Thật ra khi tuổi trẻ trong giai đoạn đang phát triển luôn muốn khẳng định mình, muốn thể hiện bản lĩnh của mình. Khi các em nhìn người thầy giáo là người lớn giả dối (cho điểm khống, thi đua, bố mẹ chỉ biết kiếm tiền và chạy thầy, cô để con đạt điểm cao, kết quả cao), thì các em sẽ coi thường.
Đó là hệ quả tai hại, mà người chịu trách nhiệm về hậu quả đó chính là chúng ta, “ gieo nhân nào gặt quả ấy”. Là các bậc làm cha làm mẹ còn chưa có thời gian, có cách dạy phù hợp con cái; là các bậc giáo chức, người làm lãnh đạo và người trực tiếp cầm phấn giảng dạy các em ở lớp còn để học sinh coi thường. Vì để học sinh nhận ra mình đi học chưa nhận được sự giáo dục hoàn thiện về đạo đức. Giáo dục là để hoàn thiện con người, phải dạy từ “Lễ, Nghĩa” rồi mới đến “Trí, Tín” .
Trương Văn Phương
Ý kiến bạn đọc