Bác Hồ nói chuyện với nông dân và xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Lai Sơn, Vĩnh Phúc, ngày 30/3/1958. (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh) |
Lời kêu gọi, hiệu triệu của Hồ Chủ tịch đã thôi thúc hàng triệu người dân Việt Nam yêu nước không ngại hy sinh, gian khổ, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc.
Bác kêu gọi “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần trở nên một chiến sỹ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa… ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc”.
Người căn dặn: “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững… Phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm… Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực”. Mặt khác, phong trào thi đua yêu nước phải có sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, nêu gương, khen thưởng. Những hình thức khen thưởng đều có tác dụng động viên, khích lệ những người tham gia phong trào. “Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi”.
Trong thi đua yêu nước, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải làm gương sáng cho mọi người, tập thể noi theo. Trong 23 điều về “Tư cách một người cách mệnh”, có điều: “Nói thì phải làm”, và sau này, Người nhấn mạnh: “Cán bộ phải thi đua với quần chúng, xung phong làm gương mẫu cho quần chúng để kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”; “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”…
Thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ, các phong trào thi đua yêu nước đã phát triển rộng khắp cả nước, thu hút đồng bào và chiến sĩ cả nước hăng say lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm chống giặc đói; thi đua học tập xóa nạn mù chữ, chống giặc dốt và dũng cảm kiên cường trong chiến đấu diệt giặc ngoại xâm, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Những phong trào thi đua như: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm,” “Hũ gạo kháng chiến,” “Sóng Duyên Hải” “Gió Đại phong,” “Cờ Ba nhất”… đến các phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng,” “Phụ nữ ba đảm đang,” “Tuổi nhỏ chí lớn,” “Dạy tốt, học tốt”… đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, động viên mọi tầng lớp nhân dân cả nước tích cực lao động sản xuất, dũng cảm chiến đấu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong suốt 65 năm qua, thực hiện lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên khắp mọi miền đất nước ta, các phong trò thi đua đã diễn ra sôi động, thiết thực trên tất cả các lĩnh vực và đạt được những kết quả quan trọng về kinh tế - xã hội và công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Trong thời kỳ đổi mới, công tác thi đua-khen thưởng đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương pháp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện địa hóa. Tiêu biểu là các phong trào: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "Thanh niên lập nghiệp", "Ðền ơn đáp nghĩa", "Vì Trường Sa thân yêu", "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới"... đã góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh phong trào chung, vẫn có không ít những hiện tượng làm giảm ý nghĩa của thi đua yêu nước. Những hoạt động nặng về bề nổi, hình thức, chạy theo phong trào. Một số ngành, địa phương còn lúng túng, không chỉ đạo thường xuyên, để phong trào thi đua trầm lắng…
Nhân dịp này, tại nhiều địa phương, cũng như các bộ ngành đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm, hội thảo nhằm trao đổi, nhận thức đúng đắn, sâu sắc hơn về vai trò của phong trào thi đua trong bối cảnh trên tất cả các hoạt động kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, quốc phòng, an ninh… còn vô vàn khó khăn đòi hỏi cần phải đồng lòng, chung tay, góp sức vượt qua sóng gió.
Phát biểu tại lễ trao giải Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” lần thứ IV do Báo Quân đội Nhân dân tổ chức, tối qua (10/6), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh từ tấm gương ngời sáng của Bác Hồ, nếu 90 triệu người dân Việt Nam đồng lòng, góp sức, phát huy tinh thần: “Thi đua là phải yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” như Bác Hồ căn dặn cách đây 65 năm, chắc chắn nhân dân ta sẽ vượt qua được khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu mới về kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, lời kêu gọi thi đua yêu nước của Hồ Chủ tịch 65 năm về trước vẫn vẹn nguyên giá trị.
Ý kiến bạn đọc