Hi88 Online: Trang Chủ

BÁC HỒ DẠY “Nói đi đôi với làm”

Thứ sáu - 16/05/2014 08:03 6.960 0
Nói đi đôi với làm, không chỉ là một nguyên tắc phương pháp luận trong tư tưởng Hồ Chí Minh mà ở đó còn biểu hiện là giá trị đặc sắc nổi bật của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Có thể thấy điều đó qua hàng trăm bài viết và việc làm của Người. Nói: Được hiểu theo nghĩa rộng là: từ cách nói, lời nói, cách viết…đến toàn bộ lý luận của Người. Làm: Được hiểu là từ những ứng xử, phong cách…đến toàn bộ  hoạt động thực tiễn của Người.

Đối với mỗi người, lời nói phải đi đôi với việc làm thì mới đem lại hiệu quả thiết thực cho chính bản thân mình và có tác dụng đối với người khác. Nếu nói nhiều làm ít, nói mà không làm, hơn nữa nói một đằng làm một nẻo thì chỉ đem lại những hậu quả phản tác dụng.

Sau thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” của chính quyền cách mạng non trẻ, chính Bác Hồ là người xác định đất nước đang đứng trước 3 thứ “giặc” là “giặc đói”, giặc dốt” và “giặc ngoại xâm”. Để chiến đấu chống giặc đói, Người kêu gọi cả nước đẩy mạnh sản xuất tăng gia, lập “Hũ gạo cứu đói” bằng cách mỗi bữa bớt lại một nắm gạo, mười ngày nhịn ăn một bữa. Không chỉ là người đứng ra phát động phong trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chính là người đã nêu gương đi đầu trong việc thực hiện chủ trương này. Chuyện kể lại là đúng bữa cơ quan Chính phủ nhịn ăn thì Bác Hồ phải dự một bữa tiệc ngoại giao. Chiều hôm đó Người đã tình nguyện cắt cơm trước sự sững sờ của tất cả anh chị em phục vụ trong cơ quan. Rồi khi kêu gọi toàn dân tập thể dục, Người cũng khẳng định: “Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng cố gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào cũng tập”.

Như vậy, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, “miệng nói, tay phải làm” là  yêu cầu bắt buộc, là một nguyên tắc nhất quán trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của Người. Chính với tấm gương đó mà trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ của thời kỳ hoạt động bí mật, của thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Người đã thu hút, đã lôi cuốn được hàng triệu triệu cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân lao động đi theo mình đứng lên xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của đồng bào. Nói một cách khác, tấm gương “hành động gương mẫu là mệnh lệnh không lời” của Người đã thực sự trở thành khuôn vàng, thước ngọc chỉ đạo hoạt động của cách mạng Việt Nam trong suốt mấy chục năm vừa qua. Cũng chính từ tấm gương “lời nói đi đôi với việc làm” của Người, hiện tượng “Hãy làm như tôi nói, đừng làm như tôi làm” đã thường xuyên bị Đảng ta phê phán, nhắc nhở.

Nói đi đôi với làm trước hết là ở sự nêu gương tốt: sự làm gương của thế hệ đi trước đối với thế hệ đi sau, của lãnh đạo đối với nhân viên…là rất quan trọng. Người yêu cầu cha mẹ làm gương cho con, anh chị làm gương cho em; ông bà làm gương cho con cháu; lãnh đạo làm gương cho nhân viên; Đảng viên phải làm gương cho quần chúng. Bác dạy: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước (1).

Như vậy từ nguyên tắc: nói đi đôi với làm của Hồ Chí Minh đòi hỏi phải chống lại bệnh quan liêu, bệnh giáo điều, bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa, bệnh ba hoa.vv..vì những căn bệnh này một mặt vừa coi khinh lý luận, ngại học lý luận, một mặt lại xa rời thực tế. Muốn khắc phục được các căn bệnh đó phải học tập và Hồ Chí Minh cũng căn dặn cán bộ, đảng viên “học lý luận không nhằm mục đích lý luận đơn thuần mà nhằm đem vào thực hành trong thực tế. Học lý luận là để vận dụng, chứ không phải học lý luận để tạo cho mình một cái “vốn” để sau này đưa ra mặc cả với Đảng. Học lý luận là để giải quyết những vấn đề thực tế đặt ra. Người chỉ rõ: “Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế”(2). Điều cặn dặn này của Người có ý nghĩa hết sức to lớn đối với tất cả chúng ta. Cho nên chúng ta kiên quyết tẩy trừ cho sạch mọi động cơ và mục đích học tập không đúng đắn. Người khẳng định: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, “giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”(3). Hồ Chí Minh nhấn mạnh: ‘Cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo, v.v... của chúng ta, đều phải lấy câu này làm khuôn phép: Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng” (4).

Không chỉ ở đường lối chiến lược mà còn thể hiện ở trong công việc, trong cách viết, cách nói hằng ngày của Người, và tùy thuộc vào từng đối tượng. Đối với cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, Bác căn dặn:  "Các đồng chí cán bộ của Đảng ở các cấp phải cố gắng tiến bộ hơn, để lãnh đạo bộ đội. Từ việc lớn đến việc nhỏ, cán bộ đều phải làm kiểu mẫu. Giữ gìn kỷ luật, học tập kỹ thuật, luyện quân lập công, xung phong hãm trận, thân ái đoàn kết, nói tóm lại, mỗi việc trong bộ đội, cán bộ đều phải làm gương. Như thế thì quân đội ta sẽ là một quân đội vô địch, và kháng chiến nhất định thành công"(5). Với công nhân, những người trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội, thì Bác nhắc: "Phải nâng cao kỷ luật lao động. Tình trạng muốn làm thì làm, không muốn làm thì thôi, nghỉ sớm, không ốm cũng cáo ốm để nghỉ, đều là thiếu kỷ luật lao động. Bộ đội không có kỷ luật, đánh giặc nhất định thua; nhà máy không có kỷ luật lao động, không phải là nhà máy tốt. Kỷ luật lao động không phải Bác đưa ra hay ở đâu đưa đến, mà chính là các cô, các chú bàn bạc, thông qua, tự giác thi hành. Thông qua rồi, ai không theo không được”(6).

Các cán bộ cần phải đi sâu đi sát, kiểm tra đôn đốc kết quả của việc thực hiện những công việc đã đề ra, không thể làm theo lối quan liêu, như cách "Tỉnh gửi giấy về huyện, huyện gửi giấy về xã. Giấy không thể che rét cho trâu bò được”(7).

Đối với các cụ già Người động viên: “Tuổi cao chí khí càng cao”. Đối với thiếu niên Người khuyên: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” và nêu 5 điều Bác Hồ dạy một cách cụ thể dễ nhớ.

Nói với nhân dân về những việc mà Chính Phủ chưa làm được Người giải thích: “Vì nếu có nấu cơm cũng phải 15 phút mới chín, huống chi là sửa chữa cả một nước đã 80 năm nô lệ, người tốt có, người xấu có, một đám ruộng có lúa lại có cỏ, muốn nhổ cỏ cũng phải vài ba giờ mới xong”(8).

Cả cuộc đời Người, Hồ Chí Minh luôn thực hiện nhất quán nguyên tắc nói đi đôi với làm, rất cụ thể, rất rõ ràng. Điều đó đem lại niềm tin cho toàn Đảng, toàn quân, và toàn dân ta. Niềm tin đó mãnh liệt đến mức “Bác bảo đi là đi, Bác bảo thắng là thắng”

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, trong năm 2014 nhiệm vụ, phương hướng trọng tâm của việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”. Học Bác, mỗi một cán bộ, đảng viên và mỗi một người dân nguyện làm theo Bác.

-------------

(1)-Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia , Hà Nội. 2002,tập 5,  tr.552

(2)-Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nôi. 2002, tập 5, tr.275

(3)-Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội.2002, t.5, tr.684,

(4)-Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t 5, tr 2489

(5)-Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5, tr. 699

(6)-Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr.341

(7)-Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.12, tr. 213

(8)-Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t5, tr. 61.

 

Nguyễn Văn Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây