Hi88 Online: Trang Chủ

Tuyên ngôn độc lập năm 1945 và những giá trị thời đại

Thứ bảy - 29/08/2015 15:29 696 0
Năm 1925 ngay tại nước Pháp, chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Bản án Chế độ thực dân Pháp”, là tác phẩm tổng kết lịch sử, một cáo trạng đối với chủ nghĩa thực dân, để sau đó 20 năm, vào ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc “Tuyên ngôn Độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, của nước Việt Nam độc lập, đồng thời là sự cáo chung chế độ thực dân ở Việt Nam sau hơn 80 năm tồn tại của nó. Mùa Thu này, nền cộng hòa, dân chủ của Việt Nam tròn 70 tuổi. 70 năm qua là cả một chặng đường vinh quang về khát vọng độc lập, tự do, đổi mới, hội nhập và phát triển.

 “Tuyên ngôn độc lập” khẳng định chân lý con người phải được tự do, dân tộc phải được độc lập. Đó là ý chí thiêng liêng nhất, cao cả nhất. “Tuyên ngôn độc lập” 2-9-1945 được bắt đầu thể hiện những tư tưởng cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền con người. Quyền con người ở Việt Nam chỉ từ khi nhân dân ta giành được độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Mở đầu bản “Tuyên ngôn độc lập” là hai câu trích dẫn từ Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc". Và Tuyên ngôn Nhân quyềnDân quyền năm 1791 của nước Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: suy rộng ra câu ý có nghĩa là: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Đây phải được coi là quyền tự nhiên của dận tộc. Và kết thúc bản “Tuyên ngôn Độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định một cách đanh thép, đầy tự hào về  về dân tộc Việt Nam, đó là “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy mươi năm nay,một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do ! Dân tộc đó phải được độc lập !”. Bản tuyên ngôn này đã đánh dấu một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam-kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn  liền với chủ nghĩa xã hội. Tuyên ngôn độc lập năm 1945 đã đi vào phong trào cách mạng thế giới, trở thành một giá trị phổ biến, được nhiều nước thừa nhận và tôn trọng.Tuyên ngôn độc lập được đánh giá như “một đạo luật mới của nhân dân thế giới khẳng định quyền tự do, độc lập bất khả xâm phạm của các dân tộc bị áp bức” (1).

Ngay sau khi giành độc lập 1945, quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau đó tiếp tục được khẳng định, mở rộng trong các bản Hiến Pháp năm 1959,1980 và 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001). Hiến pháp Việt Nam năm 1992, văn kiện pháp ý cao nhất của Nhà nước Việt Nam, đã ghi nhận một cách trang trọng, rõ ràng, toàn diện. Đó là cơ sở pháp lý vững chắc để các cấp, các ngành, các cơ quan dân chính đảng thực hiện tốt quyền con người, quyền công dân trong chế độ mới. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã dành một chương riêng quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”, trong đó các nguyên tắc cơ bản về quyền con người cũng như các quyền con người cụ thể mà các công ước quốc tế về quyền con người đã quy định đều được “ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm”. Các quyền hiến định này đã được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật khác có nhiều quy định liên quan đến quyền con người. Chỉ tính từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã ban hành hơn 13.000 văn bản pháp luật các loại, trong đó, có hơn 40 bộ luật và luật, trên 120 pháp lệnh, gần 850 văn bản của Chính phủ và trên 3.000 văn bản pháp quy của các bộ, ngành đã được thông qua và thực thi. Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế quan trọng, cốt lõi về quyền con người. Đó là Công ước quốc tế xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc, Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước quốc tế về quyền trẻ em; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tham gia nhiều văn kiện của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về quyền của người lao động và tích cực tham gia trong nhiều cơ chế đối thoại nhân quyền đa phương và song phương khác...

Công cuộc đổi mới đất nước hiện nay đã và đang chứng minh con đường phát triển của cách mạng Việt Nam bắt nguồn từ truyền thống độc lập tự chủ, từ chủ nghĩa Mác-LêNin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới, quyền của người dân Việt Nam ngày càng được phát triển, ngày càng được Nhà nước Việt Nam bảo đảm. Điều này đã được thể chế hóa trong Hiến pháp, pháp luật, được quy định cụ thể bằng các chính sách, giải pháp thực hiện từ Trung ương đến địa phương. Qua những nỗ lực đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu rất cao: 184/193, lần đầu trúng cử Hội đồng Nhân quyền với sự ủng hộ gần như tuyệt đối, cao nhất trong số 14 nước trúng cử (trong đó có cả 4 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp).Ông Roland Gomez của Văn phòng Cao ủy nhân quyền LHQ phát biểu: “Việt Nam có thể chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm với các nước khác... Việt Nam đã cho thấy việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, xóa đói giảm nghèo... thực sự chính là các vấn đề về quyền con người”(Báo Công an TPHCM-ngày 15/11/2013 08:11).

Việc tôn trọng quyền con người, đấu tranh vì quyền con người chính là khát vọng của dân tộc Việt Nam, là mục tiêu phấn đấu của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong các
Văn kiện Đại hội, Đảng ta đều lấy con người là trung tâm và coi con người vừa là mục tiêu vừa là động lực lớn cho sự phát triển. “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH” (bổ sung, phát triển năm 2011), quyền con người đã được khẳng định lại như là một nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt
Nam trong thời kỳ mới. Văn kiện Đại hội XI viết: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân” (2). Tầm quan trọng của nhân tố con người ngày càng được thể hiện rõ, đặc biệt trong nền kinh tế tri thức như hiện nay. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, với quan điểm chỉ đạo rằng : “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội” (3). Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước lại tiếp tục được Đảng quan tâm nhấn mạnh với mục tiêu lớn lao “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(4). 

Tiếp nối những thành tựu nổi bật về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã đạt được sau 30 năm Đổi mới,  Mục XIV dự thảo các Văn Kiện trình Đại hội XII của Đảng tiếp tục ta tiếp tục đề ra mục tiêu “xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”. Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đó, yêu cầu quản lý xã hội theo pháp luật; tôn trọng, thượng tôn pháp luật, công lý, lẽ phải, lẽ công bằng; tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển của mỗi người là một yêu cầu quan trọng, thiết yếu. Đây chính là sự kế thừa và phát triển đích thực tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển con người toàn diện, góp phần to lớn vào công cuộc phát triển của đất nước, làm thay đổi căn bản vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

70 năm đã trôi qua, nhắc lại “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lần nữa để khẳng định rằng, vấn đề quyền con người luôn được Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ ta quan tâm, coi đó là một chân lý không ai có thể thay đổi được. Những tư tưởng về quyền con người, quyền dân tộc trong “Tuyên ngôn độc lập” năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn có giá trị lý luận và thực tiễn, có sức sống mạnh mẽ, vẹn nguyên ý nghĩa trong thời đại ngày nay. Hiện nay tình hình chính trị-an ninh thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp; xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, sung đột sắc tộc, tôn giáo, chủ nghĩa khủng bố cũng như chủ nghĩa cực đoan bạo lực….thì những lời suy rộng của “Tuyên ngôn Độc lập” đang vang lên như những tiếng chuông cảnh tỉnh: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Tài liệu tham khảo:

-Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh: Nxb CTQG, HN 2002, t.3, tr. 555- 557.

(1)- Bộ Tư pháp, Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh-Những giá trị và ý nghĩa thời đại, tr.69.

(2)-Văn kiện Đại
hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Nxb CTQG, HN 2011, tr 76.

((3)-Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Ngày 7/11/2013. Cập nhật lúc 11h 21'

(4)-Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Ngày 12/6/2014. Cập nhật lúc 15h 40' .

-Đảng Cộng Sản Việt Nam: Dự thảo các Văn Kiện trình Đại hội XII của Đảng, Mục XIV, tr 29, 30, 31 (Tài liệu sử dụng tại Đại hội đảng bộ các cấp cơ sở).

NGUYỄN VĂN THANH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây