Hi88 Online: Trang Chủ

Công an nhân dân: Nhắc nhớ lời dạy bác Hồ, phát huy hơn nữa truyền thống anh hùng vẻ vang

Thứ sáu - 21/08/2015 15:27 962 0
70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945- 9/8/2015) và 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005-19/8/2015) Ngày 19-08-1945, cuộc khởi nghĩa Tháng Tám vĩ đại được thắng lợi và cũng là ngày ra  đời của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. 70 mươi năm qua, được Đảng cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu giáo dục, rèn luyện, lực lượng công an nhân dân đã luôn đi đầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng và tài sản của nhân dân.Trong công cuộc đổi mới đất nước, lực lượng Công an nhân dân đã đổi mới chủ trương và biện pháp công tác bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Lực lượng công an đã mưu trí, dũng cảm, phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhiều hoạt động phá hoại của kẻ địch, bảo vệ an toàn các mục tiêu kinh tế, chính trị quan trọng, khám phá nhiều vụ án kinh tế, chính trị rất quan trọng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày 03 tháng 02 năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam, mở ra giai đoạn mới trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Vừa mới ra đời, Đảng ta đã phát động Cao trào cách mạng (1930 – 1931) mà đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Trong Cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, “Đội Tự vệ đỏ” được thành lập để tiến hành đấu tranh chính trị, vừa đấu tranh tự vệ. Tháng 3/1935, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ I đã thông qua Nghị quyết quan trọng về “Đội Tự vệ”. Ngày 15/5/1945, Xứ ủy Bắc kỳ quyết định thành lập “Đội danh dự trừ gian”, với nhiệm vụ diệt trừ các tên Việt gian đầu sỏ, nguy hiểm theo sự chỉ đạo của Xứ ủy Bắc kỳ và vũ trang tuyên truyền khi cần thiết….Trong những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, các lực lượng tiền thân của công an nhân dân đã cùng các lực lượng chính trị và vũ trang của quần chúng cách mạng đập tan những công cụ đàn áp của chế độ cũ, góp phần giành chính quyền về tay nhân dân, xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Ngày 19/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Hà Nội. Cùng với việc đập tan các cơ quan đàn áp của địch và thiết lập chính quyền cách mạng, ở các tỉnh Bắc Bộ đã lập Sở Liêm phóng, Trung Bộ lập Sở Trinh sát, Nam Bộ lập Quốc gia tự vệ cuộc. Tuy tên gọi ở ba miền khác nhau, nhưng các tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân đều có chung nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Từ đó đến nay, ngày 19/8/1945 được xác định là Ngày truyền thống Công an nhân dân (CAND) Việt Nam.

Là người trực tiếp tổ chức thành lập, giáo dục và rèn luyện công an nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn khẳng định bản chất của Công an cách mạng Việt Nam “…là Công an nhân dân, vì nhân dân phục vụ”, chính vì vậy để hoàn thành nhiệm vụ Công an phải dựa vào nhân dân vì “nhân dân ta có hàng chục triệu người, có mấy chục triệu tai mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong. Nhân dân giúp đỡ nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ít thì thành công ít, giúp đỡ hoàn toàn thì thành công hoàn toàn”. Nên Công an nhân dân làm sao phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ thì mới giành được chiến thắng. Lời dạy đó mãi luôn thôi thúc mỗi cán bộ chiến sỹ Công an thi đua lập thành tích là tấm gương sáng trong quần chúng nhân dân, cố gắng làm tốt công tác vận động quần chúng cùng với Công an nhân dân đấu tranh phòng chống tội phạm, tạo nên thế trận toàn dân trong cuộc chiến với tội phạm. Nhưng cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là dựa vào nhân dân không phải là ỷ lại mà phải hướng dẫn tạo thuận lợi để nhân dân tham gia vào mặt trận bảo vệ an ninh trật tự, Công an phải đóng vai trò nòng cốt, tận tụy phục vụ nhân dân đó là yếu tố quan trọng trong lời dạy của Người để Công an nhân dân ngày càng được dân tin yêu và giúp đỡ.

Từ thực tiễn tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những phẩm chất đạo đức cần có trong sử dụng cán bộ. Đối với công an nhân dân, để có được sự tin tưởng của nhân dân thì trước hết Công an phải có tư cách, đạo đức mẫu mực đúng đắn. Vì điều đó mà lúc sinh thời Người rất quan tâm giáo dục tư cách người Công an cách mệnh, Người yêu cầu mỗi người Công an phải giữ tư cách và đạo đức người Công an cách mệnh. Trong thư gửi đồng chí Giám đốc Công an khu XII ngày 11/03/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu “Tư cách người Công an cách mệnh:

Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính

Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ

Đối với chính phủ, phải tuyệt đối trung thành

Đối với nhân dân, phải kính trọng lễ phép

Đối với công việc, phải tận tụy

Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”.

Hồ Chí Minh còn nêu lên phương thức tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện những yêu cầu trên: “Những điều đó, chẳng những luôn luôn nêu trên báo mà lại nên viết thành ca dao cho mọi người công an học thuộc, nên viết thành khẩu hiệu dán tại những nơi anh em công an thường đến (bàn giấy, nhà ăn, phòng ngủ…” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXBCTQG, 2002, t.10, tr. 406 -407). Những điều trên cho thấy đạo đức của người công an cách mệnh không phải là cái gì cao siêu, xa vời mà là những điều dễ nghe, dễ hiểu, dễ thuộc và dễ thực hiện. Những tiêu chuẩn trên là thước đo phẩm chất  đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ lực lượng Công an Nhân dân  trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước.

Trải qua 70 năm, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo và rèn luyện, dù bất cứ hoàn cảnh nào, thời chiến cũng như thời bình, lực lượng Công an Nhân dân luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, lực lượng Công an nhân dân luôn đề cao nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong giai đoạn cách mạng mới, tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất phức tạp, vượt qua nhiều dự báo, tiềm ẩn những bất trắc khó lường. Đối với nước ta, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, sử dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ ở nước ta; tình hình tranh chấp chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông còn phức tạp; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện xa rời mục tiêu CNXH, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nguy cơ xảy ra khủng bố, chiến tranh mạng, mất an ninh thông tin ngày càng gia tăng. Tình hình tranhchấp chủ quyền biên giới, lãnh thổ, nhất là tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp, khó lường. Tình trạng vi phạm pháp luật, tội phạm có xu hướng gia tăng, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm xử dụng công nghệ cao. Trật tự an toàn xã hội đứng trước nhiều tác động theo chiều hướng phức tạp...V.I. Lênin, người thầy vĩ đại của cách mạng thế giới đã chỉ rõ: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ”. Trải qua các giai đoạn cách mạng, cùng với đường lối xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, Đảng ta luôn đặt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ chiến lược sống còn. Trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước, được biểu hiện tập trung ở hai nhiệm vụ chiến lược có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự rất nặng nề, khó khăn mà Đảng và Nhân dân giao phó, đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân cần phải không ngừng phát huy hơn nữa truyền thống vẻ vang; tiếp tục đổi mới toàn diện và nâng cấp chất lượng các mặt công tác Công an; tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh; triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ưong 4, khóa XI của Đảng “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy” và các phong trào thi đua yêu nước khác. Gắn bó vói nhân dân, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Quân đội nhân dân, với các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tạo thành sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam, 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chúng ta có quyền tự hào về những thành tích đã đạt được trong những năm qua, tự hào về những truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân. Lực lượng Công an nhân dân tiếp tục phát huy truyền thông vẻ vang, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân Việt Nam, nêu cao tinh thần “chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, tiếp tục siết chặt đội ngũ, nỗ lực phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nguyễn Văn Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây