Hi88 Online: Trang Chủ

MÃI MÃI GHI SÂU LỜI BÁC: “DÂN VẬN KHÉO VIỆC GÌ CŨNG THÀNH CÔNG”!

Thứ năm - 23/10/2014 09:41 1.435 0
Kỷ niệm 84 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930-15/10/2014)

 Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Yêu nước, thương dân, yêu dân, sống vì dân, gần gũi dân, thấu hiểu tâm tư và nguyện vọng của dân để làm tất cả những những gì cho nhân dân. Bản Di chúc cách đây 45 năm, Bác viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng”. “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”(1).

Tháng 10/1923, trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản về tình hình Đông Dương, Bác nhận xét về thái độ chính trị của các giai cấp, các tầng lớp dân cư, và đi đến kết luận: “Tuyên truyền tốt trong nông dân và tổ chức tốt trong công nhân nếu chúng ta làm tốt được điều đó thì tương lai thuộc về ta”. Sau ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, từ ngày 14 đến 31/10/1930 tại Hương Cảng (Trung Quốc). Hội nghị Trung ương lần thú nhất đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng và Án nghị quyết về: Công nhân vận động; nông dân vận động; quân đội vận động; vấn đề cứu tế và Hội phản đế đồng minh. Hội nghị xác định rõ trong các Đảng bộ phải tổ chức ra các Ban chuyên môn về giới vận động. Từ tháng 10/1930, hệ thống các ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: Công vận, nông vận, thanh vận, phụ vận, quân đội vận, mặt trận phản đế được ra đời. 

Ngày 17/10/1945, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh có “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, Người viết: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng tự do, thì độc lập cúng chẳng có nghĩa lý gì”(2). Từ đó Người dạy phải thực hiện ngay:

1.     Làm cho dân có ăn

2.     Làm cho dân có mặc

3.     Làm cho dân có chỗ ở

4.     Làm cho dân có học hành (3).

Bởi vậy, trong bài báo “Dân vận” nổi tiếng đăng trên báo Sự Thật, ngày 15/10/1949 Chủ tịch Hồ chí minh đã nêu lên những tư tưởng cơ bản về công tác dân vận. Bài viết ngăn gọn súc tích, thể hiện đầy đủ và sâu sắc tư tưởng, quan điểm, phương châm về công tác dân vận. Thời gian trôi qua nhưng tác phẩm “Dân vận” của Hồ Chí Minh vẫn như vừa được viết trong những ngày này, những ngày toàn Đảng, toàn Dân ta đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước. Bằng những lời lẽ ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, Người luôn căn dặn chúng ta: "Nước lấy dân làm gốc. Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân","thắng lợi của cách mạng là do sự phấn đấu hy sinh và trí thông minh sáng tạo của hàng triệu nhân dân","quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân", "việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công"(4). Luận điểm cực kỳ quan trọng này là nhân tố mạnh mẽ trong công tác vận động quần chúng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong vận động cách mạng, Người coi đoàn kết như một mục tiêu, một nhiệm vụ hàng đầu. Vận động quần chúng để thu hút quần chúng thực hiện nguyên tắc: Trên vì nước, dưới vì nhà, một là ích nước, hai là lợi dân. Muốn vận động quần chúng cũng phải có phương pháp, đó là giáo dục, thuyết phục, nêu gương chứ không phải dùng biện pháp bắt buộc, quan liêu, mệnh lệnh, dân chủ hình thức.“Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là có lợi ích cho họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”(5). Như vậy, để phong trào quần chúng phát triển và lớn mạnh thì không chỉ dừng lại ở giải thích mà phải vận động, tập hợp quần chúng từ cơ sở, phải  hướng về cơ sở và phải được duy trì thường xuyên, chứ không dừng lại ở chiến dịch.

Đúng là một sự nghiệp chỉ có thể thực hiện được khi nó là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, Bác Hồ chính là người khơi dậy những tiềm năng đoàn kết để phát huy sức mạnh của con người. Bác Hồ làm công tác dân vận, rốt cuộc là giúp đỡ, động viên, giáo dục con người để giải phóng và giành lấy tương lai hạnh phúc. Nhờ nghĩa lớn ấy, Bác đã thuyết phục được mọi người thuộc nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp khác nhau đoàn kết xung quanh Người vì Người đã quan tâm đến mọi người và chăm lo lợi ích cho mọi người. Dân vận là để đoàn kết mọi người tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội và văn hóa.

Trong sự nghiệp đổi mới, thấm nhuần tư tưởng dân vận Hồ Chí Minh, công tác vận động quần chúng của Đảng ta từng bước đổi mới cả về nội dung và phương pháp tiến hành, quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực ngày càng được phát huy, tạo ra các phong trào cách mạng sâu rộng trong cả nước, nên đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Đứng trước những thách thức mới, công tác dân vận cần phải được nhận thức cụ thể hơn, tiến hành sâu rộng hơn. Bế mạc Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ “Chỉ có đổi mới và làm tốt công tác dân vận, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với dân, cũng như khối đại đoàn kết toàn dân thì mới phát huy được sức mạnh to lớn của toàn dân phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc(6).  Hội nghị lần thứ 7 BCH  TW Đảng (khóa XI), đã ban hành Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 03-6-2013 về “Tăng cường đổi mới sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong tình hình mới”. Có thể xem đây là điểm nhấn mới về sự lãnh đạo của Đảng với công tác vận động quần chúng.

Trải qua 84 năm, xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam và Chủ Tịch Hồ Chí Minh kính yêu, công tác dân vận đã trở thành sức mạnh nội lực mang tính hướng thiện và mọi người đã tìm thấy những nhân tố tốt đẹp khi thấy nhân dân đã thực sự trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình ra sức phấn đấu xây dựng cuộc sống  vật chất và tinh thần ngày càng ấm no, tự do, hạnh phúc.

Để tiếp tục hiện Nghị quyết Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI, trong giai đoạn hiên nay chúng ta cần phải thấm nhuần và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phải hướng về cơ sở, vận động, tập hợp nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội. Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục mọi người dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Tài liệu tham khảo:

(1)-Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, năm 2007 tr. 49.

(2,3)-Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG, HN, năm 2000 t.4,  tr.56-58,152

(4,5) Hồ Chí Minh:Toàn tập, NXB CTQG, HN, năm 2000, t. 5, tr. 698 – 700

(6)-Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương khóa XI .

 

NGUYỄN VĂN THANH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây