Tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội |
Theo điều 23 của dự thảo về tác giả tượng đài, tranh hoành tráng, tác giả được chỉ định sáng tác mẫu phác thảo đối với mọi công trình phải có trình độ đại học trở lên chuyên ngành điêu khắc đối với tượng đài, có trình độ đại học trở lên chuyên ngành hội họa, đồ họa, tranh hoành tráng đối với tranh hoành tráng, đồng thời đã có ít nhất hai công trình tượng đài, tranh hoành tráng đạt chất lượng loại A, theo xác nhận của Bộ VH-TT&DL.
Về điều này, điêu khắc gia (ĐKG) Lâm Quang Nới cho biết: “Quy định trên đã có trong quy chế tượng đài, tranh hoành tráng từ bao năm nay rồi, bây giờ mới trình Quốc hội để cụ thể hóa thành nghị định thôi. Thực tế thì bao lâu nay anh em cũng không ai tranh cãi về vấn đề này”. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu quy định tác giả phải tốt nghiệp chuyên ngành là có phần khắt khe. Ông lấy ví dụ, ĐKG Nguyễn Thành Thi và ông trước đây đều tốt nghiệp hội họa, nhưng đều thành danh từ những công trình điêu khắc. Cho nên yêu cầu bằng cấp thì đúng, nhưng nếu yêu cầu phải bằng cấp chuyên ngành mà không dựa vào hoạt động, thành tích mỹ thuật cụ thể thì không được “thông thoáng” cho lắm.
ĐKG Bùi Hải Sơn - trưởng ngành điêu khắc Hội Mỹ thuật TP.HCM - cho rằng đối với những công trình điêu khắc, tranh hoành tráng được chỉ định thì quy định trên là cần thiết để bảo đảm chất lượng cho tác phẩm.
Ở lĩnh vực tượng đài, tranh hoành tráng, số tiền đầu tư mỗi tác phẩm thường lên đến con số hàng chục tỉ đồng. Do đó, nếu việc nhà đầu tư chỉ định tác giả (nghĩa là đặt hàng đích danh) sáng tác không rõ ràng bằng quy định cụ thể thì dễ dẫn đến tiêu cực. Về điều này, ĐKG Bùi Hải Sơn giải thích: “Một người có tài năng mỹ thuật dù không kinh qua trường lớp thì họ vẫn có thể vẽ những bức tranh, nặn những bức tượng để triển lãm và trưng bày được. Nhưng điêu khắc tượng đài, tranh hoành tráng không phải là việc đơn giản như vẽ một bức tranh, nặn một pho tượng. Ở tượng đài, tranh hoành tráng thì mỹ thuật chỉ là một yếu tố được xét đến đầu tiên. Ngoài ra còn phải tính đến các yếu tố khác như sự phối hợp cảnh quan, kiến trúc, yếu tố lịch sử, xã hội học, nhân chủng học, khoa học kỹ thuật, pháp lý... Cho nên, nếu mời người không được đào tạo thì tôi e không đảm bảo về mặt chất lượng. Hơn nữa, về mặt định chế nhà nước thì tôi nghĩ quy định như vậy là hợp lý, nếu không dễ “loạn” hay nảy sinh tiêu cực trong việc chỉ định thầu. Hãy nhìn xem, mảng tượng đài ở ta dù có quy chế trước đây mà cũng nảy sinh bao nhiêu là tiêu cực!”.
ĐKG Nguyễn Xuân Tiên - giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM - tỏ ra đồng tình: “Thật ra làm điêu khắc tượng đài, tranh hoành tráng không đơn giản như mọi người nghĩ. Nó là một quy trình đòi hỏi phải được sự đào tạo bài bản, không phải chỉ với bản năng hay tài năng mỹ thuật tự học mà có được. Nếu cho rằng người tự học có thể làm tượng đài, tranh hoành tráng thì tôi không thể chấp nhận được”. Để bảo vệ quan điểm của mình, ĐKG Nguyễn Xuân Tiên đưa ra một dẫn chứng: “Từ trước đến nay, trong đội ngũ làm tượng đài, tranh hoành tráng ở nước ta, tôi chỉ mới thấy những người tốt nghiệp hội họa rồi thành danh trong điêu khắc. Trong thực tế, người không qua đào tạo bài bản mà có thể làm tượng đài, tranh hoành tráng thì tôi chưa thấy ai!”.
(Theo tuoitre.vn)
Ý kiến bạn đọc