PGS.TS. Trịnh Hoà Bình |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, PGS.TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội, Viện Xã hội học Việt Nam, cho biết cùng với sự phát triển của xã hội, gia đình Việt Nam trong thời buổi hội nhập đã chịu những tác động mạnh từ bên ngoài. Những giá trị gia đình truyền thống vì thế ngày càng có nguy cơ bị mất mát, suy giảm.
Mâu thuẫn nảy sinh do áp lực xã hội?
Thời gian gần đây, các vụ thảm án do mâu thuẫn gia đình, bạo lực gia đình tăng lên một cách dồn dập, độ đậm đặc của các sự kiện cũng dày hơn, thậm chí tính chất cuồng bạo và mức độ nguy hiểm cũng tăng lên.
Bạo lực gia đình đã phá vỡ mối quan hệ huyết thống, phạm trù đạo đức trong gia đình. Ngày càng nhiều vụ án mà nạn nhân, thủ phạm đều cùng “dòng máu”. Những vụ án có hành vi giết người mà không thể khởi tố được bị can, như vụ án vừa mới xảy ra ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) người mẹ trẻ đang mang song thai đã buộc con trai vào mình, nhảy sông tự vẫn vì sau “lời qua tiếng lại”, bị chồng đánh, đuổi đi.
Nhiều người mẹ vì kinh tế quẫn bách, chồng rượu chè, đánh đập... cùng đường tìm đến cái chết, thương con ở lại bơ vơ đã đang tâm ra tay giết con. Nhiều vụ, con thì chết mà mẹ thì cứu được, khiến người mẹ sống những tháng ngày dằn vặt về tội lỗi.
Nhiều sự việc thương tâm như trên đang ngày càng xuất hiện nhiều trên khắp mặt báo. Đây thực sự là một hồi chuông báo động, cảnh tỉnh cho toàn xã hội.
Theo PGS.TS. Trịnh Hòa Bình, những mâu thuẫn trong gia đình dẫn đến thảm án một phần xuất phát từ những áp lực xã hội. Thời gian gần đây đất nước ta đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức về phương diện đời sống, kinh tế, xã hội… Tất cả những việc đó cộng dồn lại thành những áp lực lớn cho toàn thể cộng đồng, xã hội. Trong những áp lực như vậy thì gia đình, một tế bào của xã hội dường như lúc nào cũng có những vấn đề cần thiết phải giải quyết. Những căng thẳng, ngột ngạt trong không khí chung của toàn xã hội khiến các mâu thuẫn bùng phát một cách mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, ông Trịnh Hòa Bình cho rằng, tính chất nghiêm trọng của các vụ thảm án cũng có liên quan đến mặt trái của truyền thông. Truyền thông báo chí hiện đóng vai trò rất tích cực trong việc chống tiêu cực, tham gia xây dựng và phản biện để tiến tới xây dựng một xã hội mới, một xã hội dân chủ công bằng hiện đại văn minh. Báo chí đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình, tuy nhiên hiện nay số lượng bùng phát các trang báo đang ngày một ồ ạt, đặc biệt là báo mạng. Một số cá nhân các nhà báo trong quá trình đưa tin thường cung cấp thêm các kịch bản, các hình ảnh, các cứ liệu chi tiết về các vụ án đã xảy ra để tăng thêm yếu tố giật gân, lôi kéo người đọc. Trong những trường hợp nào đó, những cá nhân với cấu trúc nhân cách mỏng, khó kiềm chế dường như có kịch bản để bắt chước. Đây là một hệ hụy không mong muốn.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa phải kể đến là do nhân cách con người. Hiện nay có rất nhiều người có những hành vi lệch chuẩn mà nguyên nhân chính là do nhận định lệch lạc về các giá trị. Những cá thể mà nhân cách có cấu trúc mỏng, dễ bị kích động, trong điều kiện môi trường xã hội đầy áp lực thì người ta không kiềm giữ được.
Nét đẹp gia đình Việt Nam. Ảnh minh hoạ |
“Kích hoạt” lại những giá trị truyền thống
Theo PGS.TS. Trịnh Hòa Bình, giải pháp tốt nhất để giải quyết tận gốc mọi vấn đề liên quan đến gia đình là “kích hoạt” lại chức năng cũng như giá trị của gia đình Việt Nam.
"Năm gia đình Việt Nam 2013” với chủ đề "Kết nối yêu thương” vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động tại Hà Nội. |
Trong gia đình Việt Nam, các thành viên có quyền được yêu thương chứ không phải trách nhiệm được yêu thương. Gia đình Việt Nam không phải thực hiện bởi được những khế ước mà sống với nhau bởi cái tình, cái nghĩa.
Hội nhập bao giờ cũng có cả “hoa thơm” và “gió độc”. Cho nên gia đình Việt Nam không thể tránh khỏi sự tác động của những làn sóng đó. Vừa qua, có những con số điều tra về gia đình Việt như tỷ lệ ly hôn, tuổi quan hệ tình dục, bạo lực gia đình... cho thấy thiết chế gia đình tại Việt Nam hiện nay đang bị công phá dữ dội.
Chính vì vậy, chúng ta phải kích hoạt lại cái truyền thống yêu thương của dân tộc Việt Nam. Có đứng vững trên những phẩm giá như thế, các gia đình Việt Nam mới không bị “xâm thực” bởi văn hóa nước ngoài, các thành viên trong gia đình yêu thương nhau hơn.
Ý kiến bạn đọc