Qua kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, qua nghiên cứu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra bí quyết thành công là quyết tâm và chí khí. Bởi vì quyết tâm và chí khí là hai cái hàng đầu cho sự thành công. Bởi vậy, ngày 20.3.1951, trong chuyến thăm Liên phân đội TNXP 312 làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù (Bắc Kạn), Bác Hồ đã ứng khẩu 4 câu thơ nổi tiếng tặng Lực lượng TNXP Việt Nam:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên
(Khuyên Thanh niên)
Bài thơ của Bác là lời hiệu triệu, là nguồn động viên cổ vũ vô cùng to lớn đối với các thế hệ thanh niên 65 năm qua. Đặc biệt, trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới, đã có gần 300.000 nam nữ TNXP làm nhiệm vụ trên các chiến trường, trong đó có 10.000 người đã hy sinh (gần 5.000 liệt sĩ), 46.000 người bị thương (trên 33.000 thương binh), trên 10.000 người bị nhiễm chất độc hóa học, 35.000 người tham gia làm nhiệm vụ quốc tế (các chiến trường B, K, C)…Trong thời kỳ khách chiến chống Mỹ, lực lượng TNXP đã phục vụ chiến đấu hơn 600 trận đánh, trực tiếp chiến đấu hơn 60 trận, bắn cháy 20 xe tăng, bắn rơi 15 máy bay, bắt sống 13 phi công; mở 2.195 km đường mới, bảo đảm giao thông 3.000 km đường, tham gia xây dựng 6 sân bay.
Trong cuộc kháng chiến “9 năm làm một Điện Biên”, lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, sự hy sinh cao cả của những TNXP đi dưới mưa bom, lửa đạn, đã góp phần làm nên sức mạnh dân tộc, đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ: “Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/Dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xuân…/ Hỡi các chị, các anh/ Trên chiến trường ngã xuống/ Máu của anh chị, của chúng ta không uổng/ Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam” (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên- Tố Hữu).
Khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ thì con đường ra trận không phải của riêng ai. Cả nước ra trận như đi trẩy hội. Không thể không kể đến những đóng góp to lớn của lực lượng TNXP, nhà thơ Chính Hữu viết: Những buổi vui sao, cả nước lên đường/ Xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục/…/ Xóm dưới làng trên, con trai con gái/ Xôi nắm cơm đùm, ríu rít theo nhau/ Súng nhỏ súng to, chiến trường chật chội/ Tiếng cười hăm hở, đầy sông đầy cầu/…/ Đất nước mình đây bao nhiêu năm qua/ Mưa nắng đêm ngày hành quân/ không mỏi/ Sung sướng bao nhiêu tôi là đồng đội/ Của những người đi đánh giặc hôm nay (Đường ra mặt trận).
Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã tạm biệt mái trường Đại học sư phạm, vào bộ đội và công tác tại tuyến đường vận tải Trường Sơn 559. Chính Trường Sơn đánh Mỹ với các anh bộ đội lái xe, các cô gái thanh niên xung phong là môi trường phát huy tiềm lực thơ ca trong tâm hồn anh: “Ơi! Em gái chưa một lần rõ mặt/Có lẽ nào anh lại mê em/Từ các đêm Thạch Nhọn, Thạch Kim/Tên em đã thành tên chung anh gọi/Em là cô thanh niên xung phong”(Gởi em, cô gái thanh niên xung phong).
Nữ thi sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ làm bài thơ Khoảng trời- hố bom tại Trường Sơn vào tháng 10 năm 1972, một trong những thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Hình ảnh nữ thanh niên xung phong bước vào trang thơ là những cô gái vô danh, được gọi tên chung là Em. Nhà thơ Lâm Thị Mĩ Dạ tưởng niệm cô gái không tên, không tuổi hi sinh để cứu con đường cho đoàn xe kịp giờ ra trận qua những dòng thơ dạt dào xúc động: “Tên con đường là tên em gửi lại/Cái chết em xanh khoảng trời con gái/Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em …/Gương mặt em bạn bè tôi không biết/Nên mỗi người có gương mặt em riêng” (Khoảng trời- hố bom).
Nguyễn Đình Thi thì ghi lại cuộc gặp gỡ lớn, có tính lịch sử, cuộc gặp gỡ giữa những người con trai, con gái TNXP cùng xa quê, xa gia đình đi chiến đấu chống Mỹ: “Chào em, em gái tiền phương/Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn”(Lá đỏ-Nguyễn Đình Thi). Không khí bao trùm lên cuộc gặp gỡ, không dừng lại này vừa rộn ràng, khẩn trương, chỉ bất chợt thoáng qua, bất chợt nhìn nhau, trao cho nhau nụ cười và vẫy tay tạm biệt… một thoáng qua thôi nhưng họ đã kịp chào nhau và hẹn ngày gặp lại. Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn. Người đi và người đứng lại bên đường cũng cùng chung với lời ước hẹn ấy….Thế rồi, đất nước trọn niềm vui. Lời ước hẹn gặp nhau giữa Sài Gòn đã thành sự thật. Những người con trai, con gái trên rừng Trường Sơn năm ấy, bao người gặp lại nhau và bao người đã lỗi hẹn. Họ mãi mãi không trở về…
Trường Sơn in dấu chân hàng triệu người ra trận, hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong làm cọc tiêu cho xe qua ngầm, qua suối, qua trọng điểm trên đường Trường Sơn là một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng: “Mấy năm rồi chạy trên tuyến Trường Sơn/ Có đêm nào như đêm nay nhớ mãi/ Những cọc tiêu là những cô em gái/ Thanh thản đứng bên đường trọng điểm xe lên”(Cái điểm sáng ấy-Trần Nhật Thu). Những chiến sĩ TNXP không run sợ trước kẻ thù, không chùn bước trước khó khăn và cái chết, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ: “Xông vào nơi khói/ Để làm một cây chông nhỏ diệt thù/ Em đã vượt qua thử thách bước đầu/ Để làm người chiến thắng” (Hơi ấm đường rừng - Nguyễn Mỹ).
Nhà thơ Đỗ Trung Quân kể về những đồng đội một thuở cùng khoác màu áo xanh thanh niên xung phong (TNXP) trên chiến trường biên giới Tây Nam: “Chắc anh hiểu rồi em ở tấm lòng/ Nước mắt chỉ dành cho người ngã xuống/ Nên dù té đau, gai rừng đâm chân buốt/ Đâu để vết thương anh rỉ máu hai lần./Em là người thanh niên xung phong/ Không có súng, chỉ có đôi vai cáng thương, tải đạn/ Giữa tầm đạn thù, tấm lòng dũng cảm/ Em vượt đường dài tiếp thêm lửa tiến công…”(Những bông hoa trên tuyến lửa).
Nhà thơ Yến Thanh tên thật là Nguyễn Thanh Bính, khi đó là cán bộ phụ trách kỹ thuật của ngành giao thông trực tiếp làm việc tại ‘túi bom’ Đồng Lộc được tận mắt chứng kiến 10 cô gái TNXP đã hi sinh ở tuổi đẹp nhất cuộc đời mình vào lúc 16 giờ ngày 24 tháng 7 năm 1968. Nhà thơ xúc động trước sự hy sinh này: “Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang/Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp/Chín bạn đã quây quần đủ mặt/Nhỏ- Xuân- Hà- Hường- Hợi-Rạng- Xuân- Xanh/A trưởng Võ Thị Tần điểm danh…”(Cúc ơi!). 27 năm sau (1968-1995), sau khi viếng thăm mộ 10 Cô gái Đồng Lộc, nhà thơ Vương Trọng đã không thể nào vượt thoát khỏi ám ảnh về sự bi hùng ấy, nhà thơ viết: “… Cần gì ư, lời ai hỏi trong chiều/ Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu/Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được/Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/Hương chia đều trong hư ảo khói nhang...” (Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc).
Những chiến sĩ TNXP đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi mở ra thời kỳ đầy tươi sáng, vẻ vang cho cả dân tộc. Dấu son ấy đã ghi tạc những chiến công bất hủ, đã vẽ nên chân dung những con người huyền thoại, và đã trở thành cảm hứng để những ca khúc bất tử ra đời, như: “Cô gái mở đường của nhạc sĩ Xuân Giao, Đường Trường Sơn xe anh qua của nhạc sĩ Văn Dung: “Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh /Tiếng hát ai vang động cây rừng/ Phải chăng em cô gái mở đường/ Không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát” (Cô gái mở đường của nhạc sĩ Xuân Giao).“Ơi cô gái Trường Sơn/bao đêm em đi mở đường/cho từng chuyến xe anh qua/ vang giọng hát em ngân xa”. Ơi những cung đường Trường Sơn huyền thoại đã dệt nên những bài ca thắm thiết, đã “in dấu trong tim anh, đường in dấu chân em, đường Trường Sơn yêu biết mấy, khi tình em sáng trong lòng anh” (Đường Trường Sơn xe anh qua – Văn Dung)…
40 năm đất nước trọn niềm vui, Huyền thoại về Thanh niên xung phong trong thi ca và âm nhạc ngày ấy vẫn luôn sôi nổi, mãnh liệt và tiếp thêm ngọn lửa xung phong cho tuổi trẻ hôm nay xây dựng lòng tự hào dân tộc. Các chiến sĩ TNXP là tấm gương sáng để giáo dục thế hệ trẻ có lối sống tốt, trách nhiệm, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt
Nguyễn Văn Thanh
Ý kiến bạn đọc