Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính tới ngày 20/7 đã có 46 tỉnh, thành thu hút được dự án FDI mới. Điều này cho thấy, môi trường đầu tư ở một số khu vực, tỉnh thành có sự cải thiện đáng kể và ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Nếu như những năm trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài khi đến đầu tư tại Việt Nam thường tìm đến những TP lớn như Hà Nội, TPHCM thì những tháng đầu năm nay, các địa bàn đầu tư mà các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn lại là những địa phương trước đây khá mờ nhạt trong thu hút vốn đầu tư.
Một số tỉnh như Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bắc Ninh… được xem là những “vùng đất mới” thu hút các nhà đầu tư. Với sự điều chỉnh tăng 2,8 tỷ USD vốn đầu tư của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa đã trở thành địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với 2,815 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 23,6% tổng vốn đầu tư của cả nước.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên đã vươn lên đứng vị trí thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,158 tỷ USD, chiếm 18,1% vốn đăng ký. Bắc Ninh, vượt lên đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,377 tỷ USD. Tiếp đó là Bình Định 4 dự án với 1,000 tỷ USD; Hải Dương 15 dự án với 612 triệu USD…
Theo ông Nguyễn Bá Cường, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), sở dĩ dòng vốn FDI vào Việt Nam đang có bước dịch chuyển giữa các địa phương là do chiến lược đầu tư của các tập đoàn, công ty nước ngoài nhìn vào những lợi thế tiềm năng của các tỉnh, thành trước đây chưa được các nhà đầu tư chú ý nhiều có thể đem lại lợi nhuận đầu tư cao nên họ quyết định điều chỉnh tăng vốn và đầu tư dự án mới. Ngoài ra, ở các tỉnh, thành này có nhiều lợi thế về quỹ đất sạch rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào kết hợp với những cải tiến về môi trường đầu tư nên hấp dẫn các nhà đầu tư.
Ý kiến bạn đọc