Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, chiều 20/5. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trong phiên họp chiều 20/5, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, đề xuất giảm thuế GTGT hợp đồng thuê, mua nhà ở xã hội nhằm hỗ trợ và tạo cơ hội cho các đối tượng có thu nhập thấp có nhu cầu về nhà mua được nhà ở; góp phần giải quyết lượng hàng tồn kho lớn trong lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đây là giải pháp được thực hiện cùng với việc đề xuất giải pháp về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này.
Dự thảo quy định: “Giảm 50% thuế giá trị gia tăng đầu ra từ ngày 01 tháng 7 năm 2013 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2014 đối với các hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở và nhà ở là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70 m2 có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2”. Như vậy, thay vì phải nộp mức thuế GTGT 10%, người mua nhà ở xã hội trong thời gian từ 1/7/2013 đến hết 30/6/2014 sẽ chỉ phải nộp thuế 5%.
Do đây là giải pháp tình thế để góp phần hỗ trợ kích cầu tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản nên Chính phủ đề nghị chỉ áp dụng trong 12 tháng.
Việc quy định diện tích sàn dưới 70 m2 để hỗ trợ nhu cầu mua nhà của người có thu nhập thấp nhưng không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội bảo đảm khả thi do diện tích được xác định căn cứ vào thiết kế chi tiết được duyệt và hợp đồng bán nhà, cho thuê, thuê mua nhà ở.
Nội dung này và các nội dung sửa đổi khác của dự thảo luật nhận được đồng thuận cao thể hiện qua Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Phùng Quốc Hiển trình bày.
Kiến nghị thông qua sớm
Theo Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2013 của Quốc hội Khoá XIII, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013) để lấy ý kiến và tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2013) thông qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế GTGT. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tuy nhiên, với phạm vi sửa đổi, bổ sung tương đối gọn, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc Chính phủ cân nhắc trình Quốc hội thông qua ngay tại kỳ họp tháng 5/2013 và hiệu lực thi hành của dự án Luật là từ ngày 01/01/2014. Riêng nội dung về giảm thuế GTGT cho các hợp đồng mua nhà ở xã hội sẽ có hiệu lực từ 1/7/2013.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, dự án luật đã đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao trong suốt quá trình soạn thảo, thẩm tra; hầu hết các ý kiến đóng góp đã được tiếp thu, một số ý kiến đã được giải trình đầy đủ. Đồng thời, việc Quốc hội sớm phê duyệt sẽ giúp kịp thời khắc phục những bất cập của Luật thuế GTGT hiện hành và đồng bộ với hiệu lực thi hành của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Như vậy, qua 4 năm thực hiện trong bối cảnh kinh tế-xã hội khó khăn, Luật thuế GTGT cơ bản đã đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra khi ban hành Luật.
Tuy nhiên, so thực tế của nền kinh tế hiện nay và xu hướng phát triển, một số quy định trong Luật thuế GTGT đã bộc lộ hạn chế. Một số nhóm hàng hoá, dịch vụ có tiêu thức xác định không chịu thuế chưa được quy định rõ hoặc chưa phù hợp với bản chất của thuế GTGT; chưa có nguyên tắc xác định hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu; chưa có cơ chế ngưỡng doanh thu để đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế phù hợp với sự vận động của nền kinh tế, từ đó đơn giản hoá cách tính thuế để tạo thuận lợi cho người nộp thuế nhỏ và nâng cao hiệu quả quản lý …
Theo tờ trình của Chính phủ, nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến 7/16 điều của Luật hiện hành, gồm 6 nhóm vấn đề với 27 nội dung.
Ý kiến bạn đọc