Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn TP Hải Phòng) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo ông Huỳnh Phong Tranh, cả nước hiện có 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng kéo dài, trong đó, 422 vụ việc (79,9%) liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Đáng chú ý, có những vụ kéo dài trên 30 năm, có vài chục vụ kéo dài 20 năm, đã qua nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lần giải quyết. Hầu hết vụ việc đã có trên 3 quyết định hành chính giải quyết.
Tính đến 30/10/2012, 28 tổ công tác liên ngành và các địa phương đã rà soát, phân loại đánh giá lại, phân địa chỉ giải quyết từng vụ việc, được tổng cộng 513/528 vụ việc. Trên cơ sở đó đã có thể chấm dứt được ngay 374 vụ việc.
“Đó là những vụ việc sau khi tổ chức đối thoại, người dân đồng tình rút khiếu nại và những vụ việc đã giải quyết đúng pháp luật, thấu lý, đạt tình, nhưng người dân vẫn còn tiếp tục khiếu nại. Trường hợp này, Thanh tra Chính phủ đã xin ý kiến Chính phủ, bàn với các địa phương để tiến hành chấm dứt thụ lý”, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.
Bên cạnh đó, các vụ việc còn lại sẽ phải xem xét giải quyết lại theo đúng trình tự, thẩm quyền, theo hướng có lợi cho dân.
Giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai
Phân tích nguyên nhân tồn đọng khiếu nại, tố cáo kéo dài, Tổng Thanh tra Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận có hiện tượng tránh né, giải quyết không đến nơi đến chốn, kéo dài, gây bức xúc cho cả người đi khiếu kiện và xã hội.
Ngoài ra, sự thay đổi trong chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, người giải quyết sau được quyền lợi lớn hơn người giải quyết trước, cũng đã gây bức xúc trong người dân. Một số bà con bị kích động, hiểu biết pháp luật chưa nhiều, dễ bị xúi giục, khiếu kiện kéo dài.
Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung thực hiện các biện pháp để chấm dứt khiếu kiện kéo dài trên tinh thần đảm bảo chất lượng, ổn định tình hình. Phấn đấu từ nay đến cuối năm hoàn thành cơ bản việc giải quyết các vụ việc tồn đọng, nhưng phải đảm bảo chất lượng.
“Có hai hình thức, một là đối thoại, làm rõ để người dân tự dừng khiếu kiện. Hai là khi đã giải quyết đúng pháp luật, thấu tình đạt lý thì công bố công khai chấm dứt khiếu kiện, không tiếp tục thụ lý vụ việc đó nữa”, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho hay.
Qua triển khai thực hiện, chủ trương của Đảng, Chính phủ trong rà soát, giải quyết các vụ việc này đã nhận được sự đồng tình của xã hội, đặc biệt là sự hưởng ứng của chính những người khiếu nại.
Nhận thức trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của cả hệ thống chính trị về giải quyết khiếu kiện tồn đọng, kéo dài đã cao hơn, quyết liệt hơn.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị thống nhất phương án giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài; tổ chức họp liên ngành, kể cả cơ quan quản lý nhà nước, và các đoàn thể để tạo đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị; tổ chức đối thoại công khai với người dân, có thể mời luật sư bảo vệ quyền lợi của người tham gia khiếu nại; xây dựng cơ sở dữ liệu để theo dõi, cập nhật tình hình khiếu nại tố cáo…
“Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cần thường xuyên tiến hành giám sát, hoặc giao một ủy ban giám sát thường xuyên để việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả hơn”, ông Huỳnh Phong Tranh nói.
“Ví dụ như việc chuyển đơn lòng vòng, phải đưa vào các quy định cụ thể, rõ trách nhiệm của các cơ quan để khắc phục; thông báo công khai chấm dứt khiếu nại, chấm dứt thụ lý; phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau; quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân; có chính sách đãi ngộ, đào tạo cho cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại”, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Nâng cao hiệu lực quản lý đất đai ở địa phương
Cũng tại phiên thảo luận chiều 7/11, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã làm rõ thêm các vấn đề quản lý đất đai thuộc thẩm quyền của Bộ này.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận văn bản pháp luật liên quan đến quản lý đất đai có nhiều thay đổi qua các thời kỳ. Cùng với Luật Đất đai, còn có tới 20 luật liên quan đến đất đai và nhiều văn bản khác, gây khó khăn cho cả người quản lý, các tổ chức, đơn vị và người dân.
Khắc phục những nguyên nhân trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cần chấn chỉnh, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai của các cấp, trong đó tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết ở cơ sở.
“Đề nghị địa phương cần quan tâm những kiến nghị, khiếu nại của người dân, cần làm hết trách nhiệm của mình, sau đó mới đưa lên trên” Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội, xây dựng luật, nghị định liên quan đến đất đai và ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành kiểm tra tổng thể các văn bản thực quy phạm luật về đất đai; thực hiện thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo luật định.
Ý kiến bạn đọc