Lễ cột chỉ tay -Toon ty Kon - nghi lễ quan trọng trong đời người của dân tộc S’tiêng. Ảnh: Internet |
Cũng như các dân tộc khác, người S’tiêng có rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Trong số các giá trị văn hóa đó, tồn tại qua thời gian và được lưu truyền từ đời này sang đời khác thông qua sự giáo dục của gia đình, dòng tộc và xã hội là “lễ cột chỉ tay Toon ty Kon”.
Người S’tiêng cho rằng, việc nuôi con trưởng thành đến tuổi 13 là một niềm hạnh phúc không gì sánh bằng. Xuất phát từ điều kiện khắc nghiệt của môi trường tự nhiên, điều kiện kinh tế… việc nuôi con khôn lớn trưởng thành là một dấu mốc quan trọng. Đánh dấu bằng nghi lễ cột chỉ tay mà bất cứ một người S’tiêng nào đã trải qua nghi lễ này thì suốt đời không thể quên.
Thời gian để tiến hành nghi lễ thường là vào tháng 2 tháng 3 âm lịch, khi
ngoài đồng, hay trên rẫy chỉ còn lại những gốc rạ, trên chòi lúa đã đầy ắp… là thời điểm nông nhàn nhất có thể tập trung được nhiều người đến dự lễ.
Để thực hiện được nghi lễ này gia đình - có khi là cả gia tộc có con, cháu sắp đến tuổi trưởng thành phải chuẩn bị lễ vật trước đó từ 1 đến 3 năm. Tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình hoặc gia tộc lễ vật có thể là một con heo nuôi từ nhỏ, có khi là một con trâu, ngoài ra rượu cần, gạo nếp để nấu cơm lam là những lễ vật cũng phải chuẩn bị trước đó một thời gian dài.
Sau khi làm lễ buộc chỉ tay cho đứa trẻ và chúc phúc cho gia đình, anh em, bạn bè của gia đình cũng tặng đứa trẻ những món quà kỷ niệm để cho nhân vật chính của buổi lễ chuẩn bị bước vào đời.
Lễ cột chỉ tay Toon ty Kon là một nghi lễ đặc trưng của dân tộc S’tiêng, mang những giá trị nhân văn cao cả. Qua nghi lễ ta thấy được cách ứng xử của con người với con người, con người với thần linh và những nét văn hóa đặc sắc riêng của người S’tiêng.Những người đến vui chơi với gia đình không phân biệt già, trẻ, gái, trai không phân biệt địa vị xã hội. Họ đến dự lễ với một điều rất đơn giản là chúc phước lành cho đứa trẻ, sau đó cùng với gia chủ và mọi người vui chơi, ca hát. Ngoài việc chúc phúc cho đứa trẻ và gia chủ, thì địa điểm hành lễ còn là nơi để mọi người có dịp để thoải mái vui chơi sau những tháng ngày lao động vất vả. Những làn điệu dân ca, dân vũ, hát đối đáp, các làn điệu cồng chiêng được các nghệ nhân, nam thanh, nữ tú cùng nhau hòa tấu ngân vang giữa núi rừng… tiếp nối năm này qua năm khác, đời này qua đời khác, những mê khúc ấy được lưu truyền - bảo tồn và phát triển.
Quyết Lam (Tập hợp từ internet)
Ý kiến bạn đọc