Khi Xuân gõ cửa, tuổi thơ háo hức mong chờ ngày Tết để được chơi bóng bay, mặc quần áo mới và được bố mẹ cho đi chơi. Tuổi trẻ hò hẹn, ước nguyện cùng đi hái lộc, sung sướng hòa nhập khát vọng của mình vào sự rạo rực tự nhiên của muôn loài. Tuổi già thấy ấm áp trước sự sum vầy của con cháu, trước lòng thành kính dành cho mình xua đi nổi cô quạnh. Bao nhiêu người tràn ngập niềm vui, niềm tin về quãng đường một năm tuy ngắn ngủi mà đất nước đã có nhiều thành tựu đổi mới.
Khi mùa Xuân gõ cửa, hình như có sự lãng mạn của những chuyến dạo chơi, chợ tết, chợ hoa…,Các chàng trai, cô gái xúng xính, thẹn thùng mua vài bộ quần áo mới hay đùn đùn đẩy nhau trước hàng mỹ phẩm đắt tiền, rồi lang thang vào những vườn hoa, vườn đào, những ruộng hoa cải vàng, hương thơm của các hoa, lá cỏ sẽ khiến tâm hồn ta trở nên nhẹ nhàng, thư thái.
Khi Xuân gõ cửa, con người được sống trong sự hòa đồng cùng trời đất, thiên nhiên, được chìm trong thế giới tâm linh, được hạnh phúc với mối quan hệ với cộng đồng và được chia sẻ với mọi người xung quanh.
Khi Xuân gõ cửa, dẫu có bận trăm công nghìn việc nhưng đến ngày 23 tháng chạp hằng năm ông bà ta không quên làm lễ đưa ông Táo về trời: Trong lễ đưa ông Táo, các bà, các mẹ thường làm một mâm xôi chè cúng bếp. Các nhà khá giả có thêm một thau nước bỏ vào mấy con cá chép đặt trước bếp để làm ngựa đưa ông Táo lên trời. Và tấm lòng hiếu thảo, luôn ghi nhớ công ơn bậc sinh thành cũng thể hiện rõ trong dịp Tết nguyên đán. Mỗi làng quê có một ngôi mộ lớn mà bà con gọi là “mả làng”. Ngày tết dân làng thường tổ chức xén cỏ, vun đắp, thắp nhang. Ngày “chạp mả làng” là ngày tập trung đông đủ. Hoa quả, trầm trà nghi ngút khói làm ấm lên những nấm mồ vắng vẻ hằng ngày. Tình làng nghĩa xóm càng thắt chặt, thiêng liêng ...Bắt đầu từ 26, 27 tháng chạp là mọi chuyện trong nhà. Đường sá, làng xóm được sửa sang, vệ sinh sạch đẹp. Xuân về, dù chẳng có chi nhiều nhưng cũng phải cố gắng làm đẹp đường thôn, ngõ xóm để bà con đi lại hỏi thăm, mừng tuổi. Đình làng, đền chùa được quét lại nước vôi trắng xoá, tất cả trở nên mới mẻ và khang trang hơn ...
Khi mùa Xuân gõ cửa, bánh chưng xanh –câu đối đỏ, hai thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt, Cái Tết sẽ kém thi vị, ý nghĩa khi mất đi hoặc vắng bóng một trong hai. Bánh chưng xanh sản phẩm lâu đời của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Nó bình dị, đời thường mà thân thiết như màu mạ non thì con gái. Nếp ba tháng phơi trắng phau, vo sạch để ráo nước. Từng hạt chắc mẩm, ánh lên bóng bẩy; Thịt heo đầy đủ phức hợp nạc - mỡ - da cùng với đậu bỏ làm nhân; Được bao bọc bởi lá dong, buộc chặt và nấu kỹ trong một thời gian dài. Chiếc bánh chưng đơn giản như vậy nhưng nó thể hiện tư duy tinh túy sâu sắc của người xưa. Cắt chiếc bánh chưng, một tổng thể năm sắc màu hiện lên: vàng ngà hạt độ bùi bùi thoảng hương, đỏ thịt lợn chín, trắng ngần màu nếp, xanh lá dong và đen tuyền là sợi lạt buộc bên ngoài. Từ trong ra ngoài, thể hiện triết lý: Âm dương, Tam tài và Ngũ hành. Năm màu tượng trưng cho Ngũ hành trong triết lý phương Đông: Thủy (đen), Hỏa (đỏ), Mộc (xanh), Kim (trắng), Thổ (vàng). Ngũ hành tương sinh - tương khắc hài hòa, bổ trợ cho nhau trong tổng thể vuông vức. Màu vàng ứng với hành Thổ trong thế đất vuông nằm ở trung ương, tượng trưng cho con người rất quan trọng. Trong chiếc bánh chưng, hạt đỗ vàng được bao bọc chính giữa bánh, bên cạnh thịt lợn - thể hiện sự quan trọng này. Người Trung Hoa xưa đã viết ra chữ “điền” (…). Chiếc bánh chưng với hai chiếc lạt chính là chữ “điền” tượng trưng của Đất. Bởi, Đất là một biểu tượng của sức sản sinh và tái sinh. Đất sinh ra mọi vật, nuôi dưỡng muôn loài để rồi tiếp nhận lại từ cái mầm đầy sức sinh nở.
Khi Xuân gõ cửa, chúng ta thường nghĩ về quá khứ, nghĩ về tổ tiên, về làng xưa nghĩa cũ…Trong thời khắc giao thừa, đất trời giao hòa, lòng người như rộng mở đồng cảm với những “số phận” của mỗi con người. Hậu thế nhìn về tiền nhân với lòng kính trọng và cảm thông hơn. Điều này cũng là lẽ tự nhiên nhưng sao làm cho mỗi người cứ trăn trở mãi. Trong khoảnh khắc giao thừa khắp nhà nhà ngõ quê nhà không thể thiếu đốt trầm thơm. Mùi thơm lừng lựng thấm vào đất trời, thấm vào thời gian và tâm hồn con người. Cây trầm bén lửa cháy lâm râm như hoa đêm. Mùi thơm kỳ dịu gợi không khí ấm cúng, đoàn viên để con cháu tưởng nhớ về tổ tiên, trong khói hương thành kính, cùng nhau nâng ly rượu hồng, trao nhau những phong bao lì xì và chúc nhau những lời tốt đẹp nhất. Không dưng mà hễ đến khoảnh khắc đêm giao thừa các mạng điện thoại gần như tắc nghẽn. Bởi người ta sử dụng nhiều quá. Chiếc điện thoại là nhịp cầu nối những lời giao tiếp vào khoảnh khắc thiêng liêng đến với người thân, bạn bè cao hơn lúc nào. Có thể hiểu đó là nhu cầu hướng về cội nguồn của con người. Giá trị văn hóa, giá trị không thể thay đổi của ngày Tết chính là ở đây.
Chào Xuân Bính Thân 2016, chào năm mới. Năm Thân, cầm tinh con khỉ, gọi chệch đi là con Khởi - Khởi còn có nghĩa là bắt đầu - Bắt đầu một năm vui vẻ an lành và hạnh phúc!
THANH THẢN
Ý kiến bạn đọc