Hi88 Online: Trang Chủ

Vụ mất trực thăng bí hiểm của NATO ở Libya

Thứ năm - 23/06/2011 09:40 942 0
NATO hôm qua xác nhận mất liên lạc radar với trực thăng không người lái MQ-8B Fire Scout, do Mỹ sản xuất và đang làm nhiệm vụ trinh sát ở Libya.
AFP dẫn lời người phát ngôn của NATO, trung úy Mike Bracken cho hay Bộ chỉ huy liên quân tại Naples, Italy mất dấu chiếc máy bay kể trên lúc 7h20 sáng qua theo giờ GMT. Đây là lần đầu tiên NATO bị mất một máy bay kể từ khi tiếp quản vai trò chỉ huy chiến dịch tấn công các mục tiêu tại Libya hôm 31/3.

 

Mẫu trực thăng không người lái MQ-8B Fire Scout. Ảnh: Flightglobal.

"Chiếc trực thăng không người lái này đang thực hiện nhiệm vụ trinh sát và giám sát tình báo tại Libya, nhằm ngăn chặn các lực lượng trung thành với Moammar Gadhafi đe dọa thường dân. Chúng tôi đang tìm hiểu nguyên nhân của sự mất tích này", ông Bracken nói

Phát ngôn viên của NATO đồng thời từ chối trả lời câu hỏi về việc chiếc máy bay này bị bắn rơi hay gặp trục trặc kỹ thuật, và không xác nhận nguồn gốc của nó. Tuy nhiên, giới chức quân sự Mỹ xác định đây là mẫu trực thăng không người lái MQ-8B Fire Scout được trang bị cảm biến và camera để thực hiện các nhiệm vụ trinh sát.

Tuy nhiên, Mỹ không rõ vì sao Bộ chỉ huy NATO tại Italy mất liên lạc với chiếc trực thăng. Bộ Quốc phòng Mỹ trước đây từng tuyên bố triển khai hai máy bay không người lái Predator nhằm hỗ trợ NATO trong chiến dịch ở Libya, nhưng chưa từng tiết lộ về sự tham gia của Fire Scout. Chiếc trực thăng không người lái vừa bị mất là một trong số hai chiếc Fire Scout được Mỹ đưa tới Libya, với điểm xuất phát từ tàu khu trục USS Halyburton.

Fire Scout được sản xuất bởi công ty công nghệ quốc phòng và vũ trụ toàn cầu Northrop Grumman, với chuyến bay đầu tiên vào năm 2006. Ba năm sau, mẫu trực thăng không người lái này được triển khai cùng tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS McInerney trong các nhiệm vụ chống buôn bán ma túy.

Fire Scout có thể đạt độ cao 6.000 m, tốc độ trên 200 km/giờ và bay liên tục trong 8 giờ liên tiếp. Nhiệm vụ của mẫu máy bay này là sử dụng cảm biến và radar để tìm và theo dấu các mục tiêu.

Trước sự cố ngày hôm qua, hải quân Mỹ có đội bay gồm 15 chiếc Fire Scout và dự định nâng con số này lên thành 168, với 3 chiếc sẽ được xuất xưởng trong năm nay cùng hàng chục chiếc nữa trong năm tới. Ngoài hai trực thăng không người lái triển khai tại Libya, Mỹ còn có 3 chiếc tương tự được sử dụng trong các hoạt động tại Afghanistan. 

 

Nếu Predator có nhiệm vụ tìm diệt mục tiêu, thì Fire Scout lại chuyên thực hiện các nhiệm vụ trinh sát. Ảnh: Picasa.

Trong quá trình nghiên cứu và sản xuất Fire Scout, quân đội Mỹ từng phải cân nhắc việc bắn hạ một chiếc trực thăng loại này hôm 2/8/2010, khi nó đi chệch khỏi đường hành trình như dự kiến và bay thẳng tới thủ đô Washington sau khi mất liên lạc với mặt đất. Hai máy bay chiến đấu F-16 lẽ ra đã cất cánh để ngăn chặn chiếc Fire Scout kể trên, nếu các phi công mặt đất không lấy lại được quyền điều khiển nó sau 20 phút.

Vụ mất chiếc Fire Scout tại Libya hôm qua diễn ra trong bối cảnh Quốc hội Mỹ đang có cuộc tranh cãi về việc liệu Tổng thống Barack Obama có vượt quá quyền hạn của ông, khi ủng hộ chiến dịch không kích nhằm vào các lực lượng của Gadhafi.

Mỹ hiện chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ trong cuộc tấn công các mục tiêu ở quốc gia Bắc Phi. Kể từ khi NATO tiếp quan vai trò chỉ huy chiến dịch không kích, các máy bay của Mỹ thực hiện thêm khoảng 60 lần xuất kích, trong khi các máy bay không người lái Predator có khoảng 30 lần khai hỏa khi làm nhiệm vụ, The New York Times cho hay.

Trong một diễn biến khác, NATO đồng thời phủ nhận việc một trực thăng chiến đấu của tổ chức này gặp tai nạn ở Libya. "Chúng tôi sẽ cung cấp thêm thông tin liên quan khi cảm thấy cần thiết", phát ngôn viên của NATO cho biết.

Trước đó, đài truyền hình quốc gia Libya đưa tin "một trực thăng Apache bị bắn hạ ở vùng Zliten, cách thủ đô Tripoli khoảng 160 km về phía đông", và khẳng định đây là máy bay thứ 5 của NATO bị loại khỏi vòng chiến bởi "quân đội của nhân dân Libya".

NATO bắt đầu triển khai các trực thăng tấn công Apache trong chiến dịch tấn công Libya, với nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ dân thường trước các lực lượng của đại tá Gadhafi.


Theo VnExpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây