Ảnh minh họa |
Canada là một trong số nhiều nước đang tăng số vốn đầu tư mạo hiểm. Đầu tư mạo hiểm (VC) là việc cung cấp vốn tài chính cho các công ty ở giai đoạn khởi động tăng trưởng ban đầu, thường là các khoản đầu tư mang tính trợ giúp khởi nghiệp cho các doanh nghiệp tư nhân ở giai đoạn ban đầu đến giữa quá trình phát triển...
Để hỗ trợ cho việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ mới quy mô vừa và nhỏ, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã có các loại chương trình đầu tư mạo hiểm khác nhau với 3 hình thức chủ yếu là: đầu tư vốn trực tiếp (đầu tư cổ phần, vốn vay của chính phủ), các chính sách khuyến khích về tài chính (khuyến khích thuế, bảo lãnh vay, bảo lãnh cổ phần) hoặc tạo cơ chế cho các nhà đầu tư mạo hiểm hoạt động. Trong các hình thức trên, đầu tư vốn trực tiếp chiếm ưu thế hơn cả.
Một số nước đã rất thành công trong đầu tư mạo hiểm như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Singapore. Gần đây, đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc cũng phát triển nhanh.
Trong thời gian kinh tế toàn cầu khó khăn vừa qua, nhiều nước tăng đầu tư mạo hiểm. Thủ tướng Canada Stephen Harper cho biết thị trường vốn mạo hiểm của Canada đã được triển khai với các kết quả khác nhau và những thách thức ngày càng tăng trong suốt thập kỷ qua, đặc biệt là kể từ sau cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu 2008-2009, do đó các doanh nghiệp Canada có những ý tưởng tốt và tiềm năng tăng trưởng cao thường không có đủ nguồn vốn cần thiết.
Theo đó, Canada sẽ dành khoảng 400 triệu USD để hỗ trợ tăng trưởng đầu tư cho khu vực tư nhân trong vòng từ 7 đến 10 năm tới.
Cụ thể, một khoản trị giá 250 triệu USD sẽ được dành cho việc thành lập các quỹ mới dưới sự hợp tác của khu vực tư nhân với các tổ chức và doanh nghiệp nhằm thu hút các nhà đầu tư và sự quan tâm của các tỉnh.
Với Kế hoạch vừa công bố, ông stephen harper tin tưởng rằng nguồn vốn đầu tư mạo hiểm có sẵn ở Canada sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ và sẽ đóng góp tích cực vào tương lai của nền kinh tế Canada.
Ở góc độ vi mô, nhiều quỹ đầu tư, doanh nghiệp cũng tăng đầu tư mạo hiểm trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngành ngân hàng “chật vật”. Trái ngược với tình hình nợ công khủng hoảng, các doanh nghiệp mạo hiểm châu Âu đã gây dựng được gần 5 tỷ euro quỹ (hơn 6 tỷ USD) trong năm 2011, tăng hơn 50% so với năm 2010, theo số liệu của European Private Equity & Venture Capital Association.
Các doanh nghiệp từ những thành phố phát triển hơn như London, Berlin, Stockholm đã chi nhiều tiền cho các doanh nghiệp từ Tallinn (Estonia) cho tới Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vì các chi phí cho doanh nghiệp nơi đây có giá phải chăng và hứa hẹn mang lại lợi nhuận tốt.
Nhiều quốc gia Đông Âu, vốn nổi tiếng về toán học và kỹ thuật, đang thu hút được nhiều vốn từ các nơi khác để tận dụng nguồn nhân lực có khả năng và giá tương đối rẻ của mình. Ví dụ như HackFwd GmbH có trụ sở tại Hamburg, Đức đang đầu tư vào 5 công ty mới tại Latvia, Ba Lan và Litva do thấy nhiều cơ hội ở những quốc gia này.
Ý kiến bạn đọc