Tàu chở dầu tại eo biển Hormuz - Ảnh: AFP |
Trả lời Hãng tin AFP ngày 3-7, nghị sĩ Ebrahim Agha Mohammadi nói: “Theo dự luật do Ủy ban An ninh và đối ngoại soạn thảo, chính phủ có quyền ngăn chặn việc quá cảnh của các tàu chở dầu đi qua eo Hormuz đến các quốc gia đã cấm vận dầu mỏ với Iran”.
Eo biển Hormuz là tuyến đường biển quan trọng vận chuyển dầu và khí đốt từ các quốc gia Ả Rập sang châu Âu. Năm 2011 có 17 triệu thùng dầu được vận chuyển qua eo biển này mỗi ngày. Iran từng nhiều lần đe dọa sẽ phong tỏa eo biển Hormuz nhưng việc soạn thảo dự luật là hành động chính thức đầu tiên được đưa ra.
Theo nghị sĩ Ebrahim Agha Mohammadi, việc Iran khẳng định chủ quyền ở các vùng biển trong nước là biện pháp tối thiểu để đáp trả lại các lệnh trừng phạt dầu mỏ không công bằng từ phương Tây.
Báo Kayhan, cơ quan ngôn luận của Chính phủ Iran, đăng bài xã luận kêu gọi việc phong tỏa eo biển Hormuz. “Mỹ, châu Âu và một số quốc gia vùng Vịnh, đặc biệt là Saudi Arabia, không nên hoài nghi việc Iran sẽ không hề do dự để đóng cửa eo biển Hormuz nếu nước này bị tước các quyền chính đáng của mình”, bài báo viết.
Ủy ban sẽ đề nghị quốc hội thông qua dự luật nhanh chóng và xem đó là một ưu tiên. Dự luật đã được soạn thảo từ tuần trước, đến nay đã có 100 trong tổng số 290 nghị sĩ Iran ký vào dự luật này.
Nếu quốc hội thông qua, dự luật còn phải được Hội đồng bảo vệ cộng hòa Iran phê chuẩn. Hội đồng này gồm 12 thành viên do lãnh tụ tối cao Iran lựa chọn, có quyền phủ quyết bất kỳ dự luật nào.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ Iran sẽ xác định điểm đến của từng tàu đi qua vùng vịnh như thế nào. Hơn nữa hải quân Mỹ và phương Tây cũng đang giám sát chặt chẽ khu vực này.
Giới quan sát thị trường dầu mỏ nhận định lệnh cấm vận mà EU áp đặt lên Iran cùng với các lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xuất khẩu dầu của Iran, có doanh thu chiếm 50% nguồn thu của chính phủ nước này.
Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), dầu thô xuất khẩu của Iran trong tháng 5 đã giảm còn 1,5 triệu thùng/ngày (mbpd), thấp hơn mức từ 2,1-2,2 mbpd mà Iran khẳng định đang bán ra nước ngoài.
Ý kiến bạn đọc