Trên sàn giao dịch điện tử Singapore sáng 7/8, hoạt động chốt lời sau đợt lên giá đêm qua đã khiến giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 9/2012 giảm 26 xu xuống 91,94 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ giảm 19 xu xuống 109,36 USD/thùng.
Theo các chuyên gia phân tích, giá hai loại dầu trên đồng loạt đi lên trong phiên 6/8 là do những tin đồn về vụ tấn công Tổng thống Syria Bashar al-Assad, làm dấy lên các mối lo ngại về tình hình căng thẳng leo thang tại quốc gia sản xuất dầu mỏ này.
Một trong những nhân tố cũng chi phối giá dầu đó là cơn bão Ernesto đang có dấu hiệu mạnh lên và có thể làm gián đoạn các hoạt động khai thác dầu ở Vịnh Mexico.
Vàng tăng giá theo tâm lý lạc quan
Giá vàng tăng gần 7 USD trong phiên giao địch đầu tuần tại Mỹ và tiếp tục tăng khoảng 6 USD khi bắt đầu phiên giao dịch tiếp theo trên thị trường châu Á, theo đà tăng chung trên toàn bộ các thị trường hàng hóa, sau khi Mỹ công bố số liệu việc làm đầy hứa hẹn trong tuần trước.
Chốt phiên 6/8 tại Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX), giá vàng giao tháng 12/2012 tăng 6,9 USD (0,43%) lên 1.616,2 USD/ounce. Giá bạc giao tháng 9/2012 theo chân vàng cũng tăng 6,2 xu lên 27,863 USD/ounce. Mở cửa phiên 7/8 tại Hồng Kông, giá vàng giao ngay cũng tăng 5,63 USD lên 1.620,60 USD/ounce.
Vàng duy trì đà tăng từ phiên cuối tuần trước và trong cả phiên 6/8 luôn ở trên ngưỡng tâm lý 1.600 USD/ounce, khi Wall Street trải qua một phiên đầy hứng khởi với hoạt động ưa rủi ro. Trong phiên giao dịch đầu tuần này, đà tăng điểm từ Wall Street và thị trường dầu thô thế giới đi lên đã tiếp sức cho giá vàng.
Theo giới phân tích, tâm lý lạc quan của nhà đầu tư trên hầu khắp các thị trường được lan tỏa từ báo cáo việc làm của Mỹ. Ngày 3/8, Mỹ công bố số liệu chính thức cho thấy nền kinh tế nước này đã tạo thêm 163.000 việc làm trong tháng 7/2012, vượt dự kiến của các chuyên gia kinh tế. Bên cạnh đó, đồng USD yếu đi cũng hỗ trợ hoạt động mua vàng của nhà đầu tư sở hữu các ngoại tệ khác.
Nối gót đà tăng mạnh của phiên cuối tuần trước, chứng khoán Mỹ tiếp tục khởi động tuần mới (ngày 6/8) với “sắc xanh”, nhờ dư âm của báo cáo việc làm tích cực tại Mỹ, cũng như hy vọng rằng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ sớm đưa ra các biện pháp nhằm cứu Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thoát khỏi sự đeo bám của cuộc khủng hoảng nợ công.
Chứng khoán cũng tăng
Nhóm các chuyên gia phân tích thuộc công ty Charles Schwab & Co. cho biết diễn biến khả quan của Wall Street trong phiên giao dịch ngày 6/8 vừa qua chủ yếu là nhờ tâm lý lạc quan của giới đầu tư về khả năng ECB có thể sẽ khởi động lại chương trình thu mua trái phiếu, nhằm giúp một số nền kinh tế đang gặp khó khăn tại Eurozone thoát khỏi cơn bão nợ dai dẳng.
Thêm vào đó, việc Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm khả quan hơn dự báo cuối tuần trước tiếp tục là động lực đẩy giá cổ phiếu đi lên, bởi đây được xem là một dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ có thể sẽ thoát khỏi triển vọng u ám mà các chuyên gia kinh tế đã dự đoán trước đó, thậm chí ngay cả khi nền kinh tế thế giới bị rơi vào suy thoái.
Cũng trong phiên giao dịch này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng tiếp tục duy trì xu hướng tăng điểm, nhờ hy vọng về những hành động cứu trợ cụ thể của ECB đối với các “con nợ” tại Eurozone như Tây Ban Nha và Italia. Kết thúc phiên này, tại London, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,37%, lên 5.808,77 điểm. Tại Pháp, chỉ số CAC 40 cũng tăng 0,81%, lên 3.401,56 điểm, trong khi tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 cũng tăng 0,77%, lên 6.918,72 điểm.
Tuy nhiên, sang tới phiên giao dịch ngày 7/8, thị trường chứng khoán châu Á lại biến động không đồng nhất, với biên độ giao dịch hẹp, sau khi chạm mức cao nhất trong vòng 3 tháng qua vào phiên giao dịch trước, do giới đầu tư vẫn còn thận trọng trong việc định hướng đầu tư, dù cho những hy vọng về khả năng ECB sẽ sớm hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công đang nhem nhóm trở lại.
Mở cửa phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm nhẹ 4,59 điểm (0,05%), xuống 8.721,70 điểm. Trong khi đó, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải cũng hạ không đáng kể 1,41 điểm (0,07%), xuống còn 2.153,51 điểm, còn chỉ số Hang Seng của Hồng Kông lại “nhích” nhẹ 35,35 điểm (0,18%), lên 20.033,87 điểm.
Ý kiến bạn đọc