Hi88 Online: Trang Chủ

Bên trong cơ quan quyền lực tối cao Trung Quốc

Thứ tư - 31/07/2013 07:53 1.143 0

Bên trong cơ quan quyền lực tối cao Trung Quốc

Trung Nam Hải có các tòa nhà cổ kính bên hồ với lính gác canh phòng cẩn mật và bí ẩn. Các chính sách quan trọng bậc nhất Trung Quốc, thậm chí ảnh hưởng đến toàn thế giới, được phát đi từ đây.
 
[Caption]
Khẩu hiệu bên ngoài khu vực Trung Nam Hải ở đường Tràng An, Bắc Kinh, viết: "Đảng Cộng sản Trung Quốc vĩ đại muôn năm". Ảnh: Asahi Shimbun

Cảnh sát vây quanh một người phụ nữ trung niên khi bà này dừng lại trên đường Tràng An ở trung tâm Bắc Kinh vào lúc 9h sáng và mở túi vải của mình ra. Cảnh sát yêu cầu bà nhanh chóng rời khỏi đây. Không rõ là bà định làm gì với chiếc túi, trong đó có chứa chất độc hại gì không, hay chỉ đơn giản là lấy khăn ra lau mồ hôi.

Tuy nhiên, việc yêu cầu người phụ nữ nhanh chóng rời đi là một trong các biện pháp an ninh luôn luôn nghiêm ngặt xung quanh Trung Nam Hải, nằm ở phía tây Tử Cấm Thành, nơi ban hành các quyết sách quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và quốc gia có số dân hơn 1 tỷ người.

Trung Nam Hải luôn là một bí ẩn, là chốn "thâm cung" của đảng và chính phủ Trung Quốc, cũng chính là nơi đưa ra các quyết định có thể làm thay đổi các sự kiện toàn cầu. Trung Nam Hải cũng là nơi các lãnh đạo tối cao của Trung Quốc làm việc và sinh sống.

Nơi này tương tự như là Nhà Trắng ở Mỹ hay Nhà Xanh ở Hàn Quốc. Nó cũng gợi lên hình ảnh của Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản hay điện Kremlin thời Liên Xô.

Đây là nơi cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và thủ tướng Chu Ân Lai từng sống. Ở đây cũng diễn ra các cuộc gặp lịch sử với các lãnh đạo nước ngoài như với tổng thống Mỹ Richard Nixon và thủ tướng Nhật Kakuei Tanaka. Trung Nam Hải ngày nay do Tổng bí thư Tập Cận Bình đứng đầu.

"Quyết định cuối cùng về việc xử lý vấn đề đảo Điếu Ngư như thế nào chỉ có thể được đưa ra ở Trung Nam Hải", một nhà ngoại giao từng vào khu vực được canh phòng cẩn mật, nói với Asahi Shimbun. Điếu Ngư là tên tiếng Trung của quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku. Trung Quốc và Nhật Bản có tranh chấp chủ quyền quần đảo.

Một nhà nghiên cứu ở cơ quan cố vấn cho chính phủ cho biết: "Các quyết định quan trọng của Trung Quốc được đưa ra ở Trung Nam Hải trong vòng bí mật. Ngay cả chúng tôi còn không rõ là nó được vận hành như thế nào thì người nước ngoài càng khó để hiểu về nó".

Ảnh hưởng của Trung Nam Hải rất rộng rãi, đặc biệt có thể thấy rõ ở Đan Đông, khu vực gần biên giới Triều Tiên thuộc tỉnh Liêu Ninh, hồi tháng 4 vừa qua.

Trong bộ comple trịnh trọng, các quan chức cấp cao của tỉnh Bắc Phyongan vượt sông Áp Lục từ Triều Tiên tới Đan Đông để gặp gỡ các quan chức địa phương ở đây.

"Chúng tôi muốn các ông nối lại việc xuất khẩu xăng dầu", quan chức Triều Tiên đề nghị. Quan chức Đan Đông không đáp ứng yêu cầu. "Không thể làm gì được nếu không có quyết định của trung ương", nguồn tin nói.

Sau khi Bình Nhưỡng phóng thành công tên lửa hồi tháng 12, chính phủ Trung Quốc thể hiện sự không hài lòng với đồng minh lâu năm của mình. Đường ống dẫn dầu giữa hai quốc gia, biểu tượng của mối quan hệ khăng khít, hàng ngày vẫn tiếp tục bơm dầu sang Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc tạm dừng các chuyến chở dầu xuất phát từ Đan Đông và Đại Liên đi Triều Tiên.

Trung Quốc còn có những biện pháp mạnh tay hơn với Triều Tiên vì những hành động của nước này. 4 ngân hàng nhà nước của Trung Quốc đã ngừng chuyển tiền tới Triều Tiên và các kiểm tra hải quan trở nên gắt gao hơn. Những người Triều Tiên đến và đi khỏi Trung Quốc bây giờ phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định mang theo 20 kg hành lý. Trước đó, việc chấp hành quy định này khá lỏng lẻo dẫn đến những chỉ trích của quốc tế về lệnh trừng phạt kinh tế với Triều Tiên.

"Các biện pháp chặt chẽ hơn thể hiện ý định của các nhà lãnh đạo tối cao là không đối xử đặc biệt với Triều Tiên nữa", nguồn tin trong cơ quan cố vấn cho chính phủ nói. "Tất cả những quyết định này đều được đưa ra ở Trung Nam Hải".

An ninh nghiêm ngặt

Untitled-2-1375179291_500x0.jpg
Bên trong Trung Nam Hải, nhìn từ công viên Bắc Kinh, phía bắc của khu nhà. Ảnh: Asahi Shimbun

Bức tường bao quanh Trung Nam Hải được sơn màu đỏ, đằng sau cánh cổng đôi là dòng chữ: "Vì dân phục vụ". Tường bao cao khoảng gấp đôi chiều cao trung bình của một người lớn, và camera theo dõi được gắn ở khắp nơi.

Trung Nam Hải được xây từ thời nhà Kim thế kỷ 12 và tiếp tục được tu bổ vào thời nhà Nguyên, Minh và có hình dáng như hiện tại từ thời nhà Thanh. Theo các tài liệu của chính phủ Trung Quốc, khu nhà rộng hơn 100 hecta, có khoảng 150 lầu, và các tòa nhà được xây dọc theo ba chiếc hồ nhân tạo và nối với nhau bằng hai chiếc cầu.

Khu vực xung quanh chiếc hồ ở phía bắc được mở làm công viên công cộng, công viên Bắc Hải, trong khi hai chiếc hồ còn lại ngày nay, Trung Hải và Nam Hải, tạo nên khu đầu não Trung Nam Hải. Chỉ một số ít quan chức cấp cao nhất có văn phòng ở đây, bao gồm 25 thành viên Bộ Chính trị.

Sự hòa quyện giữa các cung điện truyền thống và các tòa nhà hiện đại của thủ đô Bắc Kinh cũng có thể được nhìn thấy ở trong Trung Nam Hải. Tuy nhiên, toàn bộ khu vực được tách biệt ra khỏi một Bắc Kinh sôi động ở phía bên ngoài bức tường.

Theo một cựu quan chức của cơ quan hỗ trợ công việc cho các Ủy viên thường trực Bộ Chính trị, thì 7 ủy viên thường trực làm việc tại Cần Chính Điện. Các văn phòng được nối với nhau bằng một hệ thống hành lang dài. Trong các tòa nhà có giường và nhà tắm và được các trợ lý và vệ sĩ bảo vệ cẩn mật. Thậm chí, có cả những văn phòng dưới hầm ngầm.

(Theo go.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây