Thủ đô Cairo chìm trong khói lửa và bạo lực trong ngày chủ nhật tồi tệ nhất thời hậu Mubarak. Ảnh: AFP. |
AP đưa tin đụng độ nổ ra sau khi những người theo đạo Thiên chúa tức giận vì cuộc tấn công nhằm vào một nhà thờ ở Cairo. Các vụ ẩu đả và xô xát diễn ra suốt đêm qua, khiến lực lượng an ninh Ai Cập phải triển khai hơn 1.000 người và nhiều xe bọc thép để bảo vệ tòa nhà đài truyền hình quốc gia cạnh sông Nile, nơi bạo lực nổ ra đầu tiên. Quân đội thiết lập lệnh giới nghiêm ở đây cho tới 7 giờ sáng nay theo giờ địa phương.
Những người biểu tình Thiên chúa giáo cho hay họ bắt đầu một cách hòa bình, và chỉ cố gắng cùng nhau biểu tình ngồi trước đài truyền hình quốc gia. Tuy nhiên, họ sau đó bị tấn công bởi "những kẻ côn đồ".
Các cuộc đụng độ lan sang Quảng trường Tahrir, với hàng nghìn người kéo về nơi được coi là tâm điểm của các cuộc biểu tình dẫn tới sự sụp đổ của chế độ của cựu tổng thống Hosni Mubarak. Những cái đầu nóng mất kiểm soát ném vào nhau gạch đá và bom cháy. Nhiều mặt đường và nhiều nhà cửa bị đập phá để những kẻ quá khích sử dụng các mảnh vỡ làm "vũ khí" tấn công đối phương.
Căng thẳng lên cao khi một chiếc xe bọc thép lao thẳng vào đám đông và húc trúng những người biểu tình, khiến nhiều người trong số họ bị hất tung lên không trung. Những người biểu tình đáp trả bằng các đốt các xe quân sự, một xe buýt và một chiếc xe con. Bầu trời Cairo đêm qua chìm trong những đám khói bốc lên trong các cuộc đụng độ.
Tới nửa đêm, những kẻ quá khích theo đạo Hồi tràn ra các con phố ở trung tâm thủ đô Cairo, rồi tấn công những chiếc xe mà chúng nghi là có người theo đạo Thiên chúa ở bên trong. Tại nhiều khu vực của Cairo đêm qua, cảnh sát và quân đội không hề xuất hiện để ngăn chặn những kẻ quá khích.
Một chiếc xe quân sự lao vào đám đông người biểu tình. Ảnh: AFP. |
Hậu quả của làn sóng bạo lực tồi tệ nhất kể từ khi cựu tổng thống Mubarak bị lật đổ là ít nhất 24 người chết và hơn 200 người bị thương. Tình hình trở nên nghiêm trọng khiến Thủ tướng Essam Sharaf phải xuất hiện trên truyền hình để lên tiếng cảnh báo bạo lực có thể khiến quá trình tái thiết Ai Cập hậu Mubarak bị chệch hướng. "Tôi kêu gọi người dân Ai Cập, cả Hồi giáo và Thiên chúa giáo, phụ nữ và trẻ em, người trẻ và người già, tất cả hãy đoàn kết lại", ông Sharaf nói.
Những người theo Thiên chúa giáo, chiếm 10% trong số 80 triệu người Ai Cập, cho rằng chính phủ quân sự ở quốc gia Bắc Phi này đã quá nhẹ tay, khiến những vụ bạo lực nhằm vào người theo đạo Thiên chúa gia tăng thời hậu Mubarak.
15 người theo Thiên chúa giáo thiệt mạng hôm 7/5 khi những người biểu tình theo đạo Hồi tấn công vào hai nhà thờ, vì cho rằng một người theo Thiên chúa giáo cải đạo sang Hồi giáo đang bị giam giữ tại hai nơi này. Hồi tháng 1, ít nhất 20 người theo Thiên chúa giáo chết trong một vụ đánh bom liều chết ở bên ngoài một nhà thờ ở Alexandria, thành phố lớn thứ hai của Ai Cập.
Quốc gia Bắc Phi chìm trong làn sóng biểu tình từ đầu năm nay. 18 ngày biểu tình khi đó đã dẫn tới việc cựu tổng thống Mubarak phải từ chức. Tuy nhiên, tình hình Ai Cập thời hậu Mubarak vẫn chưa ổn định, khi các cuộc biểu tình liên tiếp xảy ra kèm theo các cuộc xung đột tôn giáo gây chết người.
Theo VnExpress.net
Ý kiến bạn đọc