Một thực trạng đáng báo động hiện nay là hàng ngày người nông dân phải đối mặt với rất nhiều rủi ro về an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp. Đã có không ít những cái chết thương tâm hoặc mang thương tật suốt đời do không được trang bị bảo hộ lao động tối thiểu.
Tai nạn thương tâm
Đến tận bây giờ, anh Lê Văn Mừng ở xóm 1, xã An Ninh (Quỳnh Phụ - Thái Bình) vẫn không thể quên giây phút đau thương ập xuống gia đình cách đây 9 năm. Kể về tai hoạ đó, giọng anh đầy xót xa: “Gia đình tôi làm dịch vụ tuốt lúa từ năm 1996. Một hôm, vào vụ thu hoạch, hai vợ chồng tôi sang tuốt lúa cho anh trai. Bình thường vợ tôi chỉ chuyển lúa để tôi đưa vào máy nhưng hôm đó khi tuốt gần xong, cô ấy đi tới chỗ phun rơm. Do đống rơm cao, chắn kín đầu nên phải dùng tay đẩy. Đẩy rơm xong, thấy đầu máy vẫn còn vương vài sợi, cô ấy liền nhặt, nào ngờ tay bị hút luôn vào máy”.
Giống tai họa như gia đình anh Mừng, nhiều trường hợp tai nạn khác cũng thường xuyên xảy ra do bị dây cua-roa chẹt đứt ngón tay khi khởi động máy hoặc tay quay văng vào mặt, máy tuốt hút tay vào ổ máy, thóc bắn vào mắt... Rất nhiều loại máy như công nông, máy kéo, máy bơm có thùng moóc kèm theo đầu máy do nông dân tự thiết kế, lắp ráp, không theo một tiêu chuẩn thiết kế nào đã trở thành nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm.
Việc sử dụng các loại máy móc trong sản xuất nông nghiệp đang trở nên phổ biến. Đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, ở góc độ an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường thì có nhiều vấn đề đáng bàn. Bởi hầu hết nông dân khi vận hành máy đều không sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động tối thiểu.
Thống kê cho thấy, những năm qua, nhiều loại máy móc đã được đưa vào sản xuất nông nghiệp, tuy vậy mức độ cơ giới hoá các khâu trong lao động vẫn còn thấp. Do điều kiện về vốn, các máy cũ được đưa vào sử dụng chiếm 56,8%, trong đó các máy cũ có hư hỏng chiếm 17,1%. Nhiều máy nông nghiệp được sử dụng là các máy tự tạo, chiếm 4,27% trong tổng số máy được sử dụng. Ngoài ra, với các máy tự chế, tự lắp ráp từ các bộ phận cũ thì số máy có hướng dẫn chỉ chiếm 0,5%.
Các máy nông nghiệp như máy cày, xay xát, tuốt lúa, máy nổ... tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình làm việc bởi các chi tiết sắc nhọn, bộ phận chuyển động hoặc làm văng bắn các vật... Các máy tự chế phần lớn chỉ chú ý tới công năng chứ chưa chú ý đến vấn đề đảm bảo an toàn, vệ sinh cho người sử dụng cũng như người xung quanh, vì vậy 100% số máy đều không có cơ cấu bao che các bộ phận chuyển động, che chắn các vật văng bắn...
Theo tính toán của các chuyên gia, mặc dầu mức độ cơ giới hoá nông nghiệp ở nước ta chưa cao, song tai nạn lao động (TNLĐ) do các loại máy cơ giới nông nghiệp gây ra khoảng 80%, do công cụ cầm tay khoảng 20% số TNLĐ trong nông nghiệp.
Hiểm họa từ thuốc BVTV
Bên cạnh đó, một hiểm hoạ đáng lo ngại nữa là tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, hoá chất bừa bãi cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng tới sức khoẻ người dân.
Một lần đi thăm làng hoa Tây Tựu (Từ Liêm - Hà Nội), tôi giật mình khi nhìn thấy người nông dân dùng tay xé bao thuốc trừ sâu, đúng khi cơn gió thoảng qua mang theo luồng bột thuốc trắng thổi ập vào người. Anh ta nghiêng mặt vì không đeo khẩu trang, cúi xuống đổ thuốc vào bình bơm, dùng tay búng búng vào chiếc bao nhằm tận dụng thuốc và một làn bột trắng sữa bốc thẳng lên mặt.
Cùng lúc này, theo quan sát của tôi thì trên cánh đồng hoa Tây Tựu còn có hàng chục nông dân khác cũng đang phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích cho hoa. Điều lạ là tất cả đều không dùng khẩu trang. Ghé xuống sát ruộng của gia đình anh Nguyễn Văn Huấn, tôi thắc mắc: “Sao anh phun thuốc mà không đeo khẩu trang, anh không sợ ảnh hưởng đến sức khỏe à”. Anh thành thật: “Chúng tôi quen vậy rồi”.
Dạo một vòng cánh đồng, tôi thấy bao bì thuốc bảo vệ thực vật nằm rải rác khắp bờ ruộng, trên lối đi, dưới mương nước, ao hồ. Nhiều nông dân xem đó chỉ là một loại rác thải thông thường mà không hề nghĩ đến hậu quả nguy hiểm do tính chất độc hại với môi trường của các bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật.
Không riêng cánh đồng hoa Tây Tựu mà tình trạng này đang diễn ra ở nhiều nơi. Đâu đâu cũng gặp cảnh nông dân vứt và thải vô tội vạ các loại bao bì thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu ra môi trường.
Theo PGS. TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường - Giới và Phát triển cộng đồng, cả nước có 15 - 20 triệu người thường xuyên tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và khoảng 70% trong số đó đã có triệu chứng ngộ độc. Riêng ở Hà Nội, kết quả khảo sát thấy, chỉ 28% số hộ ở Tây Tựu có kho bảo quản thuốc BVTV riêng biệt và ở Đan Phượng con số này là 0,49%. 100% số người được hỏi đều trả lời họ vứt bao bì đựng thuốc một cách tự do sau khi sử dụng. Đây không những là nguy cơ làm gia tăng ô nhiễm môi trường mà còn là nguyên nhân gây tai nạn cho người sử dụng.
SYNC.
Ý kiến bạn đọc