Ngang là ngang bằng về việc khẳng định năng lực, kết quả hưởng thụ, quyền riêng tư. Thực tế trong xã hội hiện đại, đã có nhiều phụ nữ thành đạt, nắm giữ các vị trí quan trọng, tuy nhiên, nếu so sánh về tỷ lệ thì số người này so với nam giới vẫn rất thấp trong khi tỷ lệ nam - nữ. Với Việt Nam ta, quốc gia mới thoát ra khỏi cơ chế tổ chức chính trị phong kiến 70 năm nay. Trong tiến trình phát triển đất nước, phụ nữ đã và đang có những đóng góp xứng đáng và ngày càng có nhiều phụ nữ thành đạt, nắm giữ các vị trí quan trọng. Tuy nhiên, tỷ lệ đó vẫn còn rất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, sự đóng góp của phụ nữ. Cũng có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân bao trùm là định kiến giới vẫn còn tồn tại cả trong gia đình, cả về chính sách xã hội, cả trong quan niệm, nhận thức và hành động của nhiều người. Mặt khác, tự bản thân phụ nữ cũng còn nhiều rào cản, một số phụ nữ vẫn chưa thực sự phấn đấu vươn lên để khẳng định vị thế, vai trò của mình. Trong đó nhiều người vẫn còn quan niệm việc chính trị, chính trường là việc “nặng”, việc phù hợp với đấng mày râu nên ngại tham gia, không dám dấn thân mà chịu an phận.
Trong khoảng 20 năm trở lại đây, công tác cán bộ nữ cũng đã có biến chuyển nhất định, số lượng cán bộ nữ có được tăng cường trên một số lĩnh vực. Tuy nhiên, cán bộ nữ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trong cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, HĐND các cấp chưa tương xứng với vai trò cũng như lực lượng lao động nữ. Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, chương trình hành động và kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, nhưng nhìn chung cũng chưa tương xứng với thực tế nguồn lực vốn có về nữ giới hiện nay. Gần nhất nhân sự trúng cử vào Ban chấp hành đảng bộ của thành phố năng động như thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ 04/15, tương đương 2,6% là ủy viên nữ.
Khía cạnh gia đình, việc thực hiện bình đẳng giới còn là vấn đề khá nhạy cảm. Một số người cho rằng đã có sự nhầm lẫn giữa bình đẳng giới và thiên chức. Việc nội trợ (nấu nướng, giặt giũ, lau dọn nhà cửa...) thường là phụ nữ làm, việc nặng đòi hỏi sức mạnh cơ bắp là của nam giới, thế nhưng phụ nữ cứ than phiền nam giới không không phải “chịu trách nhệm” với những việc đó mà thực hiện những việc nặng kia thì không thấy than phiền. Từ thực tế đó ta thấy rằng ngay quan niệm đó là không khách quan. Vì thực tế chẳng có văn bản nào quy định phụ nữ phải đảm đương công việc nội trợ, còn nam giới phải làm này làm khác cả. Nhà thơ Xuân Quỳnh nói “Các anh quan tâm đến chuyện mất còn của các quốc gia/…biết bao điều quan trọng/….những hiệp ước”; Còn phụ nữ chỉ là “Những người đàn bà bình thường/…không tên tuổi/…quen việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày….”. Cũng chỉ nói mang tính vui vẻ là chính. Tuy nhiên từ trong nhận thức của người Á Đông bao đời nay, sự “phân chia” ngầm về giới trong công việc gia đình, sắp xếp xã hội ấy cứ như một lẽ tự nhiên. Nhưng công bằng mà nói, người phụ nữ vốn dĩ đã giữ một bổn phận rất cao cả, nhân văn. Đó là sinh đẻ, nuôi dưỡng con cái để duy trì nòi giống. Đó là Thiên chức mà trời đã ban cho giới nữ. Chức trách của trời dành riêng cho phụ nữ, nên cao cả và thiêng liêng. Vì vậy bình đẳng về giới tính ở đây là người đàn ông phải có bổn phận với sự ủy thác trời dành cho phụ nữ đó. Người chồng, người cha phải là trụ cột, chỗ dựa cho phái yếu là điều hiển nhiên của tạo hóa phân chia.
Tuy nhiên, thời đại nào cũng thế. Đặc biệt ngày nay, khuôn phép giáo huấn của Nho giáo phai nhạt thì sự “phân chia” nam - nữ, chồng – vợ không nên rạch ròi quá với mỗi người. Bởi, cuộc sống thì song song cùng với tình yêu là trách nhiệm và phải san sớt, cảm thông: “Chia ngọt sẻ bùi”. Sự chia sẻ này, theo tôi – một người đàn ông trung niên, cũng phải nhìn khách quan ở khía cạnh sức khỏe về giới; nam khỏe hơn nữ. Sự chia sớt để được phù hợp này dân gian có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, để nói về thiên chức hay trách nhiệm của mỗi giới. Về thiên chức. Dù xã hội nào đi nữa, người phụ nữ vẫn là quan trọng trong việc “xây tổ ấm”. Chị em phụ nữ luôn được coi là tay hòm tay chìa khóa, là người giữ lửa trong gia đình. Và cũng từ đó để nói đến vai trò quan trọng của nam giới là người đàn ông trụ cột thì phải biết chu toàn trọng trách gia đình. Đó là bổn phận phái mạnh. Phụ nữ là người biết giữ gìn bình yên. Đó là thiên chức, nhưng cũng có nhiều phụ nữ dấn thân lo toan cáng đáng kinh tế, trọng trách gia đình. Về khách quan cũng phải hiểu cho tâm trạng, khả năng của phụ nữ thì không nên đặt việc “Nhà” hay việc “Nước” làm trọng. Mà biết hài hòa, đừng để việc nhà cao hơn việc xã hội và ngược lại. Những người phụ nữ thành đạt đó là người phải biết cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình. Là người biết vượt qua những định kiến của xã hội, vượt lên chính mình, biết học hỏi, biết quan tâm và chia sẻ, tự tin, năng động, dám nghĩ, dám làm, có bản lĩnh, có định hướng cho sự nghiệp, biết hài hòa giữa công việc với cuộc sống thường ngày.
Dù sao trong sự thành công của bất cứ người đàn ông hay người phụ nữ, thì gia đình luôn là điểm tựa, là nền tảng vững chắc. Sắp xếp ôn hòa giữa chồng - nam và vợ - nữ là niềm động viên, cổ vũ lớn lao nhất để mỗi người có thể yên tâm công tác tốt. Ta hay truyền miệng với nhau rằng đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của một người phụ nữ. Có lẽ câu này nên cân đối cả hai giới mới phải. Vì nếu người vợ có tháo vát, giỏi giang, đảm đang đến mấy mà gặp người chồng bê tha thì người phụ nữa ấy có giữ được cuộc sống cho bền không.
Quyết Lam
Ý kiến bạn đọc