Phương thức được sử dụng chủ yếu vẫn là dựa vào lỗi cơ bản như SQL Injection, hệ thống không cập nhật bản vá, hoặc mật khẩu quản trị yếu. Theo công ty bảo mật Bkav, để xảy ra những lỗi đơn giản như vậy là do hầu hết website của các cơ quan Chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp không được đánh giá độc lập về mức độ an ninh trước khi đưa vào vận hành. Hạ tầng mạng và nền tảng ứng dụng của những website này không được thiết kế tổng thể với các giải pháp đảm bảo an ninh.
"Một nguyên nhân sâu xa nhưng rất quan trọng lại xuất phát từ chính các kỹ sư CNTT, đội ngũ xây dựng website. Họ vốn không được đào tạo về lập trình an toàn (secure coding) ngay từ khi còn là sinh viên trong các trường đại học. Thực tế, tất cả các trường đại học có chuyên ngành CNTT tại Việt Nam đều chưa đưa môn này vào chương trình đào tạo", ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc bộ phận an ninh mạng của Bkav, phân tích. "Thêm vào đó, hầu hết các công ty phần mềm cũng không bổ sung các kiến thức về lập trình an toàn cho đội ngũ kỹ sư, lập trình viên. Do đó, phần mềm ứng dụng nói chung và website nói riêng đang được dùng trong các cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp của Việt Nam tồn tại rất nhiều lỗ hổng".
Giới bảo mật cũng khuyến cáo, để chống lại các cuộc tấn công cần áp dụng Hệ thống quản lý an ninh thông tin ISO 27001. Quy trình ISO sẽ buộc website phải được đánh giá độc lập về an ninh trước khi vận hành và hạ tầng mạng được thiết kế tổng thể ngay từ khi xây dựng. Ngoài ra, việc áp dụng giải pháp tổng thể phòng chống virus là điều tối quan trọng để bảo vệ, chống bị đánh cắp dữ liệu.
"Về lâu dài, vấn đề cốt lõi cần giải quyết là các trường đại học phải đưa nội dung lập trình an toàn vào chương trình giảng dạy. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có thêm nhiều các cơ sở đào tạo chuyên sâu về an ninh mạng", ông Đức nhấn mạnh.
Trong tháng 6 đã có 3.690 dòng virus máy tính mới xuất hiện tại Việt Nam và lây nhiễm trên 6.955.000 lượt máy tính. Virus lây nhiều nhất trong tháng 6 là Sality.PE (trên 481.000 lượt máy tính).
Theo VnExpress.net
Ý kiến bạn đọc